Tham dự có TS Trần Ngọc Thanh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng và an ninh (QPAN), Bộ GD-ĐT; đại diện lãnh đạo Trường Đại học Trần Đại Nghĩa, Trường Đại học Nguyễn Huệ, Trường Đại học Nha Trang cùng đại diện lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm TPHCM, ĐHQG TPHCM và đông đảo sinh viên các trường đại học...
Theo ban tổ chức hội thảo, cách đây gần 70 năm, thắng lợi của Chiến cuộc Đông xuân 1953 – 1954, mà đỉnh cao chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một mốc son, bước ngoặt của lịch sử dân tộc Việt Nam trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, vì độc lập tự do trong thế kỷ XX.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh, là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam và của cộng đồng quốc tế đấu tranh vì độc lập, tự do, vì “bình đẳng, bác ái” và là sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại.
Trải qua 56 ngày đêm đầy anh dũng và bất khuất, quân và dân ta chiến đấu với ý chí kiên cường trong điều kiện thiếu thốn về mọi mặt “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, kết quả là chiến dịch đã giành thắng lợi vang dội, thể hiện sức mạnh chính trị, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường...
Hội thảo đã nhận 146 bài viết và chọn lọc 53 bài viết của các nhà khoa học, tác giả đang công tác, học tập tại 39 đơn vị, địa phương, gồm 3 chủ đề chính: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng son, Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sứ mệnh kế thừa và Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học cho công tác giáo dục quốc phòng và an ninh hiện nay.
Tại phiên toàn thể và các tiểu ban hội thảo, các nhà khoa học đã đề xuất một số nội dung, phương pháp, tăng cường hoạt động trải nghiệm, nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử, giáo dục QPAN cho học sinh sinh viên, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác này, đáp ứng nhu cầu của các địa phương giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030.