Bóng đêm thời Khmer Đỏ
Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào ngày 17-4-1975, nhân dân Campuchia chưa kịp mừng vui thì bọn Pol Pot vừa mới lên cầm quyền đã thực hiện một đường lối, chính sách cực kỳ phản động, đuổi dân ra khỏi thành phố Phnom Penh, bắt đầu biến đất nước Campuchia thành các “công xã” và trại tập trung khổng lồ với chính sách diệt chủng cực kỳ tàn bạo. Đất nước đầy những hố chôn người. Campuchia lúc đó là một xã hội không có chùa chiền, không họp chợ, không trường học, không bệnh viện, không xài tiền, không có gia đình, thủ đô Phnom Penh không có dân ở…
Sau 3 năm 8 tháng 20 ngày cai trị, bọn chúng đã giết hại hơn 3 triệu người dân vô tội Campuchia!
Ngoài ra, Pol Pot thực hiện chính sách xâm lược và diệt chủng đối với Việt Nam. Từ tháng 5-1975 đến ngày 23-12-1978, Pol Pot đưa 10 sư đoàn tấn công 10 tỉnh, thành biên giới phía Tây Nam, giết hại hơn 5.000 dân thường Việt Nam, làm bị thương gần 5.000 người khác, bắt và đưa đi thủ tiêu trên 20.000 người, gây thiệt hại nhiều cơ sở vật chất, hoa màu, gia súc, nhà cửa… Nhân dân dọc biên giới hai nước không thể nào quên các địa danh đẫm máu như: Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang), huyện Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành (tỉnh Tây Ninh); hay như câu chuyện hy sinh đẫm máu của 12 cô gái thanh niên xung phong…
Giúp bạn là tự giúp mình
Là hai quốc gia láng giềng gần gũi, cùng uống chung dòng nước sông Mê Kông, Việt Nam và Campuchia có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Mối quan hệ này là tài sản vô giá của hai dân tộc. Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia anh em: “Hãy cứu giúp chúng tôi, không phải chỉ cứu giúp mấy vạn người tị nạn mà phải cứu cả dân tộc”; đồng thời cũng để thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, với tinh thần “Giúp bạn là tự giúp mình”, quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh với lực lượng vũ trang Cách mạng và nhân dân Campuchia đứng lên đánh tan tập đoàn phản động Pol Pot, giải phóng Phnom Penh, xóa bỏ chế độ diệt chủng, xây dựng lại xã hội mới cho nhân dân Campuchia.
Từ tháng 10-1977 đến tháng 1-1979, nằm trong đội hình của Lực lượng vũ trang Quân khu 7, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền thành phố, Lực lượng vũ trang TPHCM đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam và giúp bạn Campuchia: đánh 79 trận; diệt gọn 2 đại đội, đánh thiệt hại nặng 6 tiểu đoàn và 6 đại đội; giải thoát 2.664 dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng kìm kẹp của bọn phản động Pol Pot.
Ngày 7-1-1979 đã đi vào lịch sử như là mốc son của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung; của tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, đưa đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, bước vào một kỷ nguyên mới: độc lập, tự do, hồi sinh, đồng thời mở ra một trang mới trong quan hệ láng giềng giữa hai nước.
Sau đó, do yêu cầu của bạn, trong 10 năm tiếp theo (1979-1989), các đoàn chuyên gia Trung ương, lực lượng vũ trang và các địa phương (trong đó có Đoàn chuyên gia A50 của TPHCM) cùng quân tình nguyện Việt Nam đã giúp bạn hồi sinh, khôi phục kinh tế, ổn định xã hội, đánh tan bọn tàn quân Pol Pot để bảo vệ vững chắc đất nước Campuchia.
Để có được vinh quang của ngày chiến thắng, đã có biết bao chiến sĩ tình nguyện Việt Nam, gồm bộ đội, thanh niên xung phong đã ngã xuống. Mồ hôi và cả máu của các cựu chuyên gia đã thấm đẫm trên đất nước Chùa Tháp để tham gia giải phóng nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng, góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước sau ngày 7-1-1979. Đó là đóng góp quan trọng sống còn, xây dựng và vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Campuchia ngày càng bền chặt, mà như nguyên Thủ tướng Hun Sen đã nói: “Vì giúp Campuchia mà Việt Nam đã hy sinh cả tinh thần và vật chất, Việt Nam bị các nước bao vây cấm vận và nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì không có ngày 7-1, mà không có ngày 7-1 thì không có đất nước Campuchia đang phát triển như hiện nay”.
Chúng ta cũng không thể nào quên nhân dân Campuchia đã cưu mang, giúp đỡ, che giấu, nuôi dưỡng bộ đội và chuyên gia Việt Nam khi làm nhiệm vụ trên đất bạn. Thời kỳ chiến tranh cứu nước, Campuchia luôn là chỗ dựa chí tình, chí nghĩa cho Cách mạng Việt Nam.
Trọn nghĩa, vẹn tình
Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Hoàng gia do Đảng Nhân dân (CPP) cầm quyền, Campuchia đang phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội. Trải qua 45 năm, từ “những cánh đồng chết” hoang tàn, đổ nát; từ trong bao chết chóc, đau thương của thảm họa diệt chủng, nhân dân Campuchia đã vươn lên mạnh mẽ, khắc phục muôn vàn khó khăn thách thức, làm cuộc hồi sinh kỳ diệu với những thay đổi sâu sắc trên các mặt.
Quan hệ Việt Nam - Campuchia trong những năm qua đã có sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực đạt được nhiều thành tựu to lớn, vô cùng ý nghĩa. Đối với TPHCM, Thành ủy, UBND Thành phố thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, phát huy mạnh mẽ vai trò, chức năng của Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia TPHCM. Trong năm 2023, hội đã đạt một số kết quả nổi bật trong hoạt động như: tổ chức thành công buổi họp mặt kỷ niệm 44 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng; phối hợp tổ chức Tết Chol Chnăm Thmây và kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Vương quốc Campuchia; đẩy mạnh công tác giúp đỡ sinh viên Campuchia đang học tập tại thành phố; phối hợp tổ chức Đoàn cán bộ, hội viên tham quan cung đường X16 và cụm công trình lưu niệm hành trình nguyên Thủ tướng Hun Sen sang Việt Nam tìm đường cứu nước tại Bình Phước; viếng Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 - Tây Ninh. Hội còn tổ chức đỡ đầu đợt 6, đưa tổng số lên gần 100 sinh viên Campuchia đang học tập tại TPHCM trong 10 năm qua theo Chương trình Ươm mầm hữu nghị; thường xuyên liên lạc, tổ chức gặp gỡ, giao lưu, tặng quà, mời các em tham gia hoạt động do các đoàn thể thành phố tổ chức theo Chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào và Campuchia”…
Ngoài ra, hội vận động các đơn vị, doanh nghiệp tích cực tham gia hoạt động từ thiện. Trong đó, đoàn Bác sĩ Tâm Việt trực thuộc hội tổ chức 26 chương trình từ thiện ở các tỉnh tại Việt Nam và Campuchia, khám bệnh, phát thuốc cho gần 8.000 bệnh nhân nghèo, tặng 3.500 phần quà, một căn nhà, một sổ tiết kiệm, 16 xe lăn cho trẻ em mồ côi, học sinh có cha mẹ mất do dịch Covid-19…, tổng trị giá gần 3,4 tỷ đồng. Qua đó góp phần gìn giữ và phát huy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Campuchia trong thời kỳ mới.
Quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương, đề án, kế hoạch của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Thành ủy, UBND TPHCM; thời gian qua, Bộ Tư lệnh Thành phố và các đơn vị đã kết nghĩa, ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác với 15 đơn vị thuộc Quân đội Hoàng gia Campuchia và Tiểu khu Quân sự tỉnh Kampong Thom; đồng thời duy trì tốt mối quan hệ với các đơn vị Quân đội Hoàng gia Campuchia.
Năm 2023, Bộ Tư lệnh Thành phố đã tham mưu hỗ trợ kinh phí, xây dựng nhà truyền thống lưu niệm Đoàn 7708, Bộ Tư lệnh Quân khu. Đặc biệt là thăm, khám bệnh, cấp thuốc, chữa bệnh tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kampong Thom với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng; qua đó tăng cường bồi đắp, củng cố mối quan hệ đoàn kết giữa Quân đội và nhân dân hai nước, góp phần xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phát triển.