Gói chi tiêu được sẽ được dùng để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng như đường bộ, cầu đường, giao thông đường thủy, đường sắt, băng thông rộng viễn thông và nước sạch.
Tại Thượng viện, nhiều nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa phản đối kế hoạch chi tiêu này với lý do sẽ làm gia tăng lạm phát. Văn phòng Ngân sách Quốc hội cũng cho rằng, dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1 ngàn tỷ USD sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang thêm 256 tỷ USD trong 10 năm.
Tuy nhiên, các kiến trúc sư của dự luật, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Kyrsten Sinema (bang Arizona) và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rob Portman (bang Ohio), khẳng định, sẽ có các biện pháp tăng thu bao gồm phân bổ lại khoản 200 tỷ USD tiền cứu trợ Covid-19 chưa sử dụng. Bên cạnh đó là các nguồn thu mới từ tăng thuế các tập đoàn công nghệ và cả thu thuế từ giao dịch tiền điện tử. Ngoài ra, các cuộc thăm dò cho thấy, đa số công chúng ủng hộ kế hoạch gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng vốn đang rất cũ kỹ.
Tổng thống Biden hoan nghênh Thượng viện Mỹ thông qua gói ngân sách chi cho cơ sở hạ tầng. Ông nói: “Chúng ta đang ở đỉnh cao của thập kỷ xây dựng cơ sở hạ tầng mà tôi thực sự tin rằng sẽ biến đổi nước Mỹ”. Ông cũng ca ngợi lòng dũng cảm của 19 Thượng nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu cho dự luật, cho rằng điều đó chứng tỏ họ đã vượt qua được vấn đề đảng phái vì mục tiêu phát triển chung.
Hạ viện Mỹ sẽ nhóm họp trở lại để xem xét gói ngân sách vào ngày 23-8, dự kiến sẽ thông qua một lần cả hai khoản chi tổng cộng 1 ngàn tỷ USD, sau đó trình Tổng thống Biden ký ban hành luật. Việc thông qua tại Hạ viện được cho cũng khá khó khăn do đảng Dân chủ hiện chiếm đa số hẹp trong Hạ viện.