Chiến thắng 30-4-1975 – Đỉnh cao sức mạnh của chiến tranh nhân dân

Ngày 8-7, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam và Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Chiến thắng 30-4-1975 – Đỉnh cao sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”.
Đồng chí Trần Lưu Quang phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học. Ảnh: VGP/Băng Tâm
Đồng chí Trần Lưu Quang phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Tham dự có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Lê Văn Minh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM... cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan Trưng ương; các đồng chí lão thành cách mạng; chỉ huy, nguyên chỉ huy các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử…

Bản lĩnh trí tuệ và lòng yêu nước

Hội thảo tổ chức tại TPHCM – nơi mở màn cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, và cũng là nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược – Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975. Hội thảo nhằm làm sâu sắc hơn những nhân tố quan trọng đã làm nên thắng lợi lịch sử này; khẳng định vị trí, vai trò của Chiến thắng 30-4 trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; qua đó, đúc rút những kinh nghiệm quý, những bài học hay để vận dụng, phát huy vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, cho biết, cách đây tròn 45 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Nhân dân ta và các lực lượng vũ trang cách mạng thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Cùng với thời gian, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 ngày càng được khẳng định, trở thành biểu tượng sáng ngời của bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và sức mạnh của chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh.  

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, yêu cầu hội thảo tập trung thảo luận, làm các nội dung. Trước hết, cần khẳng định rõ đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là đường lối tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, phát huy được sức mạnh tổng hợp toàn dân đánh giặc; kết hợp ba thứ quân, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn; thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ; nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu dài, đồng thời biết tạo thời cơ và nắm vững thời cơ mở những trận tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh, tiến lên thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, đè bẹp quân địch để giành thắng lợi cuối cùng.

Đồng thời, hội thảo làm rõ tính sáng tạo, nét độc đáo, nghệ thuật đặc sắc trong tổ chức và điều hành chiến dịch - trận quyết chiến chiến lược có quy mô lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là nghệ thuật kết hợp tiến công và nổi dậy; nghệ thuật chớp và tranh thủ thời cơ, chuyển hóa linh hoạt tạo bất ngờ trong tiến công; nghệ thuật sử dụng lực lượng, phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng tham gia chiến dịch, tạo nên thế trận trong ngoài cùng đánh; nghệ thuật chọn hướng, mục tiêu tiến công... Tất cả đã góp phần tạo ưu thế trong tương quan lực lượng, nhanh chóng giành thắng lợi hoàn toàn. Đó còn là nghệ thuật kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc, thể hiện tinh thần hòa hiếu, truyền thống văn hóa quân sự “đánh giặc, giữ nước" của dân tộc Việt Nam.

Sức mạnh của chiến tranh nhân dân

Đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, nhớ lại ngày cuối tháng 4-1975: cả thành phố xuống đường, tràn ngập người. Xe tăng, bộ đội Giải phóng, lực lượng cách mạng tại chỗ không còn giữ chiếc áo bí mật “hợp pháp” mới hôm qua, nay xuất hiện khắp nơi, kéo đến Dinh Độc Lập, các đường phố trung tâm. Một vài vụ nổ súng buổi sáng, đến trưa thì im bặt tiếng súng, tiếng máy bay gầm rú. Cả Sài Gòn – Gia Định âm vang tiếng nói tiếng cười. Chia sẻ về vai trò của Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Phạm Chánh Trực cho biết, Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định đã huy động tổng lực thanh niên nội ngoại thành, với ý chí kiên cường, lòng dũng cảm và nhiệt huyết sôi sục, tích cực tham gia cùng quân và dân toàn thành phố, toàn miền Nam xông lên Tổng tiến công và nổi dậy giành toàn bộ chính quyền, giải phóng thành phố, góp phần thống nhất đất nước.

Trình bày tham luận “Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 - đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch tiến công”, Thiếu tướng Lê Xuân Thành, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng cho hay, bên cạnh giá trị lịch sử, Chiến dịch Hồ Chí Minh còn để lại những bài học kinh nghiệm có giá trị to lớn về nghệ thuật quân sự. Thiếu tướng Lê Xuân Thành phân tích, đó là nghệ thuật đánh giá khách quan, toàn diện tình hình địch, ta trên chiến trường, xác định hướng, mục tiêu tiến công chính xác. Là nghệ thuật tạo lập thế trận vững chắc, xác định phương pháp tác chiến tiến công linh hoạt, sáng tạo; từng bước thít chặt vòng vây và hình thành thế trận tiến công theo hướng linh hoạt và hiểm yếu, đánh thắng các mục tiêu chủ yếu. Cùng với đó, Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện nghệ thuật bao vây, chia cắt với tập trung lực lượng, đột phá, thọc sâu táo bạo, nhanh chóng và đồng loạt tiêu diệt mục tiêu chủ yếu; phối hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng đạt hiệu quả cao.

Tổng thuật các tham luận, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 80 báo cáo tham luận. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng vấn đề cụ thể và khẳng định: Chiến thắng 30-4-1975 là kết quả tất yếu của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; là đỉnh cao sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam; Chiến thắng 30-4-1975 mang tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại to lớn, để lại nhiều bài học có giá trị sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp Nhân dân miền Bắc tích cực tham gia phong trào “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt", mỗi ngành, mỗi giới lại có những phong trào thi đua riêng: công nhân có phong trào "tay búa, tay súng", nông dân với phong trào "tay cày, tay súng", thanh niên có phong trào “ba sẵn sàng", phụ nữ với phong trào “ba đảm đang", trí thức với phong trào “ba quyết tâm"... Trong khi đó, ở miền Nam, phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân, quân và dân ta từng bước đẩy mạnh tiến công địch liên tục, rộng khắp với quy mô ngày càng lớn trên cả phương diện quân sự, chính trị, binh vận, lần lượt giành được những thắng lợi quyết định. “Có thể khẳng định rằng: Chiến dịch Hồ Chí Minh là thành quả vĩ đại của sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam được hun đúc theo chiều dài lịch sử và nâng lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện tinh thần bất khuất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ miền Nam và sự chi viện hết lòng “vì miền Nam ruột thịt" của hậu phương miền Bắc”, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên nhấn mạnh.

----------------------------------
 

* Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn – Gia Định trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Trước tình hình diễn biến hết sức nhanh chóng, quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị quyết tâm giành thắng lợi ngay trong tháng 4-1975, ngay lập tức, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tổng nội dây hòa nhịp với tổng tiến công. Ban Thường vụ Thành ủy ra chỉ thị hướng dẫn các cấp trong Đảng bộ những việc cần làm ngay trước, trong và sau khi TP được giải phóng. Các ban, ngành, đoàn thể cũng tích cực khẩn trương chuẩn bị cho khởi nghĩa với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng vũ trang toàn thành phố đã có 2 trung đoàn và 4 tiểu đoàn tập trung; mỗi quận, huyện trung bình có từ 1 đến 2 đại đội; gần 3.500 dân quân du kích; hàng ngàn tự vệ, du kích mật. Tổng quân số lực lượng vũ trang của thành phố tham gia chiến dịch lên đến hơn một vạn người được bố trí trên nhiều hướng.

Trước ngày tổng tiến công và tổng khởi nghĩa, ở thành phố có hơn 700 cán bộ, trong đó cán bộ cấp Thành ủy và tương đương có 12 đồng chí; cấp quận ủy và tương đương có 60 đồng chí. Ở vùng ven có hơn 1.000 cán bộ. Ngoài ra, còn có 1.300 cán bộ ở cách thành phố từ 10 đến 15km, sẵn sàng vào thành phố. Nội thành và vùng ven có 1.200 đảng viên (nội thành 735 người) và hơn 10.000 quần chúng nòng cốt.

Thành phố đã xây dựng được 40 lõm chính trị với hơn 7.000 quần chúng đã giành quyền làm chủ ở các mức độ khác nhau, 400 tổ chức công khai, tổ chức quần chúng với gần 25.000 quần chúng. 

Suốt ngày 29 đến sáng ngày 30 tháng 4, toàn thành phố đã có 107 điểm nổi dậy (31 điểm ở ngoại thành, 76 điểm ở nội thành) trước khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Được lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ, Nhân dân đã tự giải phóng các huyện, lỵ Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Chánh; chiếm trụ sở hành chính các Quận 3, 5, 8, 10, 11 và Tòa Hành chánh tỉnh Gia Định, hai ty cảnh sát quận 3 và quận 5…

---------------------------

* Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang: TPHCM đạt thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới

Trong cuộc trường chinh 30 năm đầy hy sinh, gian khổ mà vô cùng oanh liệt của dân tộc, Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, cùng với đồng bào miền Nam "đi trước, về sau", tuy phải trải qua muốn vàn hy sinh, gian khổ, bị tra tấn tù đày dưới ách kềm kẹp của chính quyền tay sai đế quốc Mỹ, nhưng với lòng yêu nước và tinh thần cách mạng, các tầng lớp đông bào Thành phố quyết không chịu khuất phục kẻ thù, một lòng theo Đảng làm cách mạng. Nhân dân và lực lượng vũ trang đã không ngừng sáng tạo và thực hiện thành công nghệ thuật đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và binh vận; tạo ra được một hậu phương tại chỗ, tổ chức và sử dụng có hiệu quả sự chi viện to lớn của đồng bào cả nước cho cuộc kháng chiến. Càng khó khăn, nhân dân Thành phố càng sáng tạo ra nhiều hình thức đấu tranh phong phú. Tất cả các phong trào đấu tranh đó của Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tựu chung lại, là tấm lòng yêu nước, là niềm tin sắt đá vào Đảng, vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Phát huy thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân 1975, 45 năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân TPHCM tiếp tục đồng lòng, chung sức đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới. Dẫu còn những hạn chế, trở ngại nhất định trong quá trình phát triển, nhưng đến nay TPHCM đã thay da đổi thịt, ngày càng sáng tỏ diện mạo của một đô thị lớn “đàng hoàng hơn", “to đẹp hơn" như Bác Hồ từng mong ước; trở thành một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế; đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao; đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế, 23% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và 27% thu ngân sách cả nước. Từ thực tiễn, TPHCM đã góp phần quan trọng vào quá trình hoạch định, hình thành, phát triển đường lối đối mới, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Trong thời gian tới, TPHCM không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Tin cùng chuyên mục