Ngày 4-4, sau cuộc họp 16 đoàn cứu nạn cứu hộ quốc tế tại Myanmar, ý kiến của Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Bộ Công an Việt Nam được các đoàn nhất trí và ủng hộ.
Theo đó, Đại tá Nguyễn Minh Khương thông tin, nhà cao tầng bị đổ sập do động đất, nguy cơ luôn tiềm ẩn đổ sập thêm bất cứ lúc nào nếu phương án và kỹ thuật tìm kiếm không phù hợp.
Đại diện lực lượng tìm kiếm Bộ Công an Việt Nam cho rằng, nếu sử dụng các trang thiết bị tạo nhiều rung chấn như khoan cắt, cưa bê tông, đục bê tông... rung chấn gây ra sẽ tương đối lớn. Nếu xảy ra sập đổ thứ cấp, nhẹ thì công trình bị sập đổ khiến công tác cứu nạn khó khăn hơn; tình huống xấu hơn, các chiến sĩ cứu nạn cứu hộ có thể bị nguy hiểm, và có thể những nạn nhân còn sống sót sẽ tiếp tục bị đè và thiệt mạng.
Chính vì vậy, dù có nhiều trang thiết bị hiện đại trong tay, nếu không biết sử dụng đúng cách, câu chuyện không chỉ là "dùng dao giết trâu để mổ gà" mà còn có thể làm mất cả cơ hội để cứu người.

Những ngày tìm kiếm nạn nhân ở Myanmar, chiếc kìm thủy lực luôn là “chiến thần” khi các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ. Dụng cụ kìm có thể phá vỡ được các mảng, khối bê tông lớn, nhưng gần như không gây ra rung chấn. Những động tác kìm nhanh, ngọt khiến các mảng bê tông vỡ vụn tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ tiếp cận hiện trường, giải cứu nạn nhân và giảm thiếu tối đa các nguy cơ bị đổ sập thứ cấp do rung chấn.
Việc đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam thường xuyên sử dụng chiếc kìm thủy lực khiến nhiều đoàn quốc tế đánh giá cao và phối hợp thực hiện với đoàn Việt Nam. Nhiều nạn nhân đã được đưa ra ngoài, dù các nạn nhân mắc kẹt ở các khu vực rất khó.