Ngày đầu vào lính
“Thế là, hôm nay mình đã bước sang những ngày đầu của đời lính. Ngày huấn luyện tuy vất vả nhưng vui. Mình đã tiến bộ, chỉn chu hơn hôm qua...”, trong sổ nhật ký, chiến sĩ trẻ Lê Tô Đăng Khoa (26 Nguyễn Quý Anh, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đội 29, Tiểu đội 7, Trung đoàn Gia Định, nắn nót ghi lại kỷ niệm trong những ngày đầu tham gia vào môi trường quân đội.
Chiến sĩ trẻ Đăng Khoa kể, em nhận được lệnh nhập ngũ khi đang là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Là con trai út trong gia đình có 3 chị em nên cậu được cưng chiều nhiều, kể cả khi đã là sinh viên sắp tốt nghiệp. Cũng vì thế, ngày Đăng Khoa lên đường, cả gia đình vẫn không thôi lo lắng. Nhưng người mẹ đã căn dặn với niềm tin con mình sẽ trưởng thành hơn: “Cố gắng rèn luyện để gia đình tự hào về con”.
“Mỗi khi gặp khó khăn, em nhớ lại lời mẹ và cố gắng vượt qua. Vào quân ngũ, em thấy việc gì cũng phải theo giờ giấc, rất quy củ so với ở nhà. Những ngày đầu, chỉ riêng chuyện xếp chăn gối vuông thành sắc cạnh đã không phải dễ dàng. Điều đó càng thôi thúc bản thân em cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa”, Đăng Khoa tâm sự.
Đầu tháng 3, TPHCM chưa vào mùa mưa, nhưng thời tiết đã diễn biến thất thường. Trời đang nắng đổ lửa thì cơn mưa vội ập đến. Sân tập mới đầy nắng, phút chốc đã trắng xóa nước mưa.
Trong cơn mưa nặng hạt, chiến sĩ trẻ Bùi Mạnh Phát (573/8 Ba Đình, phường 9, quận 8) chia sẻ, không chỉ những giờ trên thao trường mà cả lúc sinh hoạt tập thể, giờ ăn cơm, em và các tân binh khác cũng cố tập đi, đứng, ngồi sao cho ngay ngắn, đúng tác phong người lính. Mạnh Phát kể, mẹ em mất từ năm 2012, cha em cũng rời nhà ra đi từ đó, để lại 2 anh em. Dù rất thích đến trường, nhưng em học đến lớp 9 thì phải nghỉ để làm việc kiếm thêm thu nhập, phụ giúp anh trai. Đến tuổi nhập ngũ, Phát xin ý kiến anh rồi viết đơn tình nguyện nhập ngũ. “Những ngày đầu trong quân ngũ, niềm vui là hàng ngày được ra thao trường, chiều tối tập trung sinh hoạt chung cùng đồng đội”, Mạnh Phát bày tỏ.
Những chiến sĩ trẻ đứng giữa hàng quân, trong bộ quân phục chỉn chu, trên khuôn mặt rám nắng vẫn chưa phai nét thư sinh. Những ngày tới, các bạn sẽ bước vào đợt huấn luyện gian khó như đào công sự, ném lựu đạn, bắn súng... Dẫu vậy, các chiến sĩ trẻ đều thể hiện quyết tâm vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. “Em sẽ cố gắng để huấn luyện đạt kết quả cao”, chiến sĩ trẻ Nguyễn Đức Khoa (313/C2 Ngô Quyền, phường 9, quận 5), thuộc Đại đội 11, Trung đội 29, Tiểu đội 6, khẳng định.
Luôn đồng hành cùng chiến sĩ
Năm 2022, Trung đoàn Gia Định được giao hơn 740 chiến sĩ mới, là con em của 21 quận, huyện và TP Thủ Đức của TPHCM. Nhiệm vụ của cán bộ chỉ huy tại Trung đoàn Gia Định là huấn luyện để 740 chiến sĩ trẻ ấy trở thành chiến sĩ Trung đoàn Gia Định.
“Chiến sĩ Trung đoàn Gia Định” không chỉ là thương hiệu trong lực lượng vũ trang, mà còn là địa chỉ tin cậy của người dân TPHCM. Nhiều chiến sĩ trẻ nói với chúng tôi, ngày đi học đã nghe thầy cô kể nhiều về Trung đoàn Gia Định anh hùng - đơn vị đã lập nhiều chiến công trong các cuộc kháng chiến cứu nước, với những trận đánh vang dội làm nức lòng người dân. Cũng vì thế, làm “tân binh” của Trung đoàn Gia Định là niềm vinh hạnh đối với các chiến sĩ trẻ.
Thiếu tá Ngô Thường An, Phó Chính ủy Trung đoàn Gia Định, chia sẻ, để trở thành người lính mang thương hiệu “Trung đoàn Gia Định” thì thời gian huấn luyện 3 tháng chưa đủ, mà phải là suốt cả quá trình tại ngũ. Người lính Cụ Hồ không chỉ có thể lực tốt, sử dụng thành thạo các loại vũ khí mà còn phải có ý chí kiên cường, tư tưởng trong sáng.
Điều khó khăn nhất trong tháng đầu của không ít người lính trẻ là an tâm tư tưởng. Những thanh niên tự do vào môi trường quân đội lấy kỷ luật làm sức mạnh cần phải điều chỉnh, không chỉ trên thao trường mà cả những lúc nghỉ ngơi, sinh hoạt, dã ngoại. Trong suốt quá trình đó, cán bộ chỉ huy, huấn luyện luôn đồng hành cùng chiến sĩ: vừa hướng dẫn, huấn luyện chuyên môn nhưng vẫn luôn để ý, quan sát từng cử chỉ, ánh mắt của chiến sĩ trẻ để nếu các em có biểu hiện khác lạ thì sẽ kịp thời hỗ trợ, uốn nắn.
Thiếu tá Trần Hưng Quốc, Trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn Gia Định, cho biết thêm, người dân TPHCM đã tin tưởng, tự hào giao con em mình cho đơn vị. Vì vậy, đơn vị luôn ý thức trong công tác huấn luyện, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho chiến sĩ mới. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác huấn luyện cũng thay đổi cho phù hợp. Bữa cơm của chiến sĩ mới cũng được chuyển từ ăn tập thể thành cơm hộp theo từng suất riêng để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.