Đóng cửa trong thời gian quá dài là không cần thiết
“Zero Covid” là chính sách đã mang lại thành công cho một số quốc gia trong cuộc chiến chống Covid-19 hồi năm 2020, thông qua biện pháp đối phó đại dịch như phong tỏa và đóng cửa biên giới kéo dài. Tuy nhiên, cách tiếp cận này được nhiều người cho rằng chỉ đạt hiệu quả trong ngắn hạn, có thể sẽ không bền vững về lâu dài, đặc biệt là khi biến chủng mới lan rộng.
New Zealand từng nhận được nhiều lời khen ngợi trên toàn cầu vì ngăn chặn được dịch Covid-19 vào năm ngoái và đưa đất nước này trở thành quốc gia không còn ca mắc mới vào tháng 2-2021. Nhưng sự bùng phát của biến chủng Delta vào trung tuần tháng 8 đã đặt ra e ngại về phương pháp khóa sổ nhanh Covid-19 và đóng cửa biên giới đang kìm hãm nền kinh tế.
Hôm 24-8, Thủ tướng Ardern đã gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc cấp độ 4, trong khi thành phố lớn nhất Auckland, tâm chấn của đợt bùng phát hiện tại, sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế ít nhất đến ngày 31-8. Chính sách của Thủ tướng Ardern nhận phản đối từ đảng đối lập khi vẫn còn khoảng 80% trong số 5,1 triệu người New Zealand vẫn chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Còn Australia, một trong những hình mẫu thành công từ “Zero Covid” cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. Chiến lược “Zero Covid” áp dụng hơn một năm qua hiện bị một số ý kiến tỏ ra lo ngại. Những thành phố lớn, bao gồm Sydney, Melbourne và thủ đô Canberra, bị phong tỏa nhiều tuần, nhưng các ca mắc Covid-19 vẫn tiếp tục tăng.
Trong một bài phát biểu đăng trên phương tiện truyền thông Australia mới đây, Thủ tướng Scott Morrison đã ám chỉ việc chấm dứt các hạn chế theo “Zero Covid”, nói rằng việc đóng cửa là phù hợp lúc này nhưng sẽ không cần thiết trong thời gian quá dài. Từ năm ngoái, Australia đã đóng cửa biên giới và áp đặt các biện pháp hạn chế cứng rắn, phần lớn người dân Australia gần như đồng thuận về phương pháp chống dịch này. Cuộc sống gần như trở lại bình thường, nhưng sự đồng thuận đó đã xuất hiện rạn nứt trong những tuần gần đây, khi những tranh cãi bắt đầu xuất hiện giữa những bang bùng phát Covid-19 nghiêm trọng với các khu vực gần như không có dịch.
Vạch ra lộ trình mới
Giới khoa học cho rằng việc các nước từng thành công với các biện pháp siết chặt phong tỏa từ bỏ mục tiêu “Zero Covid” đã thể hiện thực tế rằng đại dịch sẽ không biến mất vì rất khó để xóa sổ một bệnh truyền nhiễm.
Theo cựu quan chức Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb, qua thời gian, đại dịch thường trở thành bệnh đặc hữu như cúm. Các virus gây bệnh đặc hữu lây lan liên tục và vẫn gây tử vong nhưng không làm gián đoạn hoạt động xã hội.
Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu khi số người có miễn dịch (qua chủng ngừa hoặc nhiễm bệnh) đạt đến mức độ nhất định và tiêm vaccine là con đường an toàn nhất để tiến tới mục tiêu này. Các nước đang chọn sống chung với Covid-19 đều có tỷ lệ tiêm chủng cao. Theo Reuters, khoảng 75% dân số Singapore đã tiêm đủ vaccine Covid-19. Dữ liệu từ Our World in Data cho thấy con số này ở Anh là 61,1%, ở Đức và Italy là hơn 55% và ở Pháp là 53%.
Ông Thira Woratanarat, nhà dịch tễ học tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nhận định, biến chủng Delta sẽ thống trị ở châu Á trước cuối năm nay. Theo ông, việc mở cửa trở lại cần phụ thuộc vào sự kết hợp của tỷ lệ tiêm chủng cao, khả năng kiểm soát đại dịch hiệu quả, cũng như năng lực xét nghiệm và chăm sóc sức khỏe.
Trong khi đó, Giáo sư Donald Low, nghiên cứu về chính sách công tại Đại học Khoa học và công nghệ Hong Kong, cho biết, việc phấn đấu mục tiêu “Zero Covid” sẽ khiến xã hội phải trả giá. Đã đến lúc các nhà chức trách phải suy nghĩ về việc chuyển đổi từ biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt sang giảm thiểu, phương pháp siết chặt phong tỏa áp dụng giai đoạn đầu của đại dịch không thể kéo dài thêm.
Singapore, quốc gia từng áp dụng “Zero Covid” đã vạch ra lộ trình để chuyển sang một cuộc sống bình thường mới với Covid-19 trong bối cảnh ca mắc mới vẫn được ghi nhận. Sau khi có tỷ lệ tiêm chủng cao, chính phủ đang lên kế hoạch chi tiết, cho phép đảo quốc sư tử sống bình thường giữa đại dịch. Kế hoạch có thể bao gồm các mũi tiêm nhắc lại vaccine trong nhiều năm và không cập nhật các ca mắc mới hàng ngày để biến đại dịch thành thứ ít đe dọa hơn nhiều.
Ở Thái Lan, Cục Kiểm soát Dịch bệnh, Ủy ban Các bệnh truyền nhiễm quốc gia thông qua việc thay đổi chiến lược của đất nước sang học cách sống chung với Covid-19, công nhận bản chất đặc hữu của virus. Trọng tâm trong chiến lược tương lai của Thái Lan sẽ là ngăn chặn các ca mắc ở mức độ không vượt quá khả năng của hệ thống y tế công cộng.
Theo Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, việc mở cửa là cần thiết và đó là một “rủi ro có tính toán”, đồng thời yêu cầu người dân sẵn sàng sống chung với rủi ro. Tuy nhiên, để mở cửa trở lại, Thái Lan cần tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số, nhưng hiện tại mới 8% dân số nước này đã được tiêm hai mũi vaccine.
Trung Quốc kiên quyết theo đuổi cách tiếp cận “Zero Covid” và chưa ghi nhận ca mắc mới nào sau khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh từ tháng 7, buộc nước này phải tiến hành chiến dịch xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa nghiêm ngặt. Những biện pháp mạnh này dẫn tới việc một loạt dự báo cho rằng sẽ gây tác động đến tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Tại Hồng Công, giới chức trách không đưa ra dấu hiệu nào về thời điểm thành phố có thể mở cửa trở lại, mặc dù dự kiến đạt mục tiêu 70% người trưởng thành đã tiêm chủng vào tháng tới. |