
Chủ trương xuyên suốt từ Đảng và Nhà nước
Từ Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến Kết luận số 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 và gần đây nhất là Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, Tầm nhìn 2045 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu “hiện đại hóa giáo dục” luôn được nhấn mạnh. Tiếp nối đó, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã xác định đây là “điều kiện tiên quyết” để Việt Nam phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới. Ngày 9-1-2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP, thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57. Theo đó, Bộ GD-ĐT đang xây dựng kế hoạch triển khai, giám sát, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trở thành ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh khái niệm “hiện đại hóa”, 4 yếu tố khác cũng được đặt ra song hành: chuẩn hóa, xã hội hóa, quốc tế hóa, dân chủ hóa. Đây là những định hướng quan trọng để ngành giáo dục thích nghi với bối cảnh mới.
Chuyển đổi số và AI: Bước ngoặt của giáo dục hiện đại
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng: Để đất nước phát triển nhanh và hiện đại, khâu đột phá phải là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư cho giáo dục. Muốn hiện đại hóa giáo dục, chúng ta cần ứng dụng chuyển đổi số và AI như một “phép màu” để tạo thay đổi nhanh chóng. Ông nhấn mạnh: Việt Nam đang có nhiều thuận lợi như chủ trương rõ ràng từ Đảng và Nhà nước, nền tảng pháp lý vững chắc, đội ngũ chuyên gia nghiên cứu AI, cùng việc ứng dụng thực tiễn tại một số trường học.

“Mấu chốt của hiện đại hóa giáo dục là tập trung đào tạo giáo viên cán bộ quản lý và hướng tới học sinh. Chúng ta không thể chậm trễ, cần sớm đưa AI vào chương trình giáo dục phổ thông”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu rõ.
Bà Nguyễn Phương Lan, Tổng Giám đốc EMG Education, bổ sung: “Để khai thác tối đa lợi ích từ AI, cả giáo viên và học sinh cần được trang bị kỹ năng số, phát triển tư duy phản biện, nâng cao nhận thức về đạo đức công nghệ và sẵn sàng học tập suốt đời”. Điều này đòi hỏi lãnh đạo ngành giáo dục phải thay đổi tư duy, linh hoạt xây dựng chiến lược phát triển con người trong kỷ nguyên AI. Không dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ, các nhà quản lý cần nhanh chóng triển khai mô hình quản trị hiện đại, nâng cao năng lực số cho giáo viên và tích hợp AI, công nghệ giáo dục (Edtech) vào tuyển sinh, đánh giá hiệu quả học tập, đồng thời giảm áp lực cho giáo viên để họ tập trung vào giảng dạy.
Các chuyên gia nhận định, lợi ích và thách thức từ AI đang đặt ra yêu cầu cấp thiết: ngành giáo dục TPHCM và cả nước cần triển khai nhanh chóng, ứng dụng AI để hiện đại hóa giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ hoạt và sáng tạo. Đây không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố sống còn để Việt Nam bắt kịp thế giới.
EMG Education: Tiên phong ứng dụng công nghệ giáo dục
Nhiều năm qua, EMG Education đã phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM thực hiện chương trình tiếng Anh tích hợp (theo Đề án 5695 của UBND TPHCM), giảng dạy các môn Toán và Khoa học bằng tiếng Anh. Chương trình không ngừng đổi mới nhằm giúp học sinh thích nghi với xu thế của kỷ nguyên AI. Cụ thể, EMG Education đã đầu tư phát triển các giải pháp công nghệ như nền tảng dạy và học tiếng Anh trực tuyến, ứng dụng Immersive Learning (học tập nhập vai) và tích hợp AI để cá nhân hóa lộ trình học tập. Những sáng kiến này không chỉ hỗ trợ học sinh mà còn giảm tải cho đội ngũ giáo viên, hướng tới mục tiêu đào tạo con người toàn diện trong thời đại số.
Hiện đại hóa giáo dục không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành yêu cầu sống còn trong kỷ nguyên AI. Với sự đồng hành của các chính sách từ Nhà nước và những nỗ lực tiên phong như EMG Education, ngành giáo dục Việt Nam đang từng bước tiến tới mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ đáp ứng đòi hỏi của thời đại mới.