MTIE nhận định, sau khi cuộc khủng hoảng Covid-19 kết thúc, chủ nghĩa “ưu tiên lợi ích quốc gia” sẽ ngày càng lan rộng khiến xu hướng bảo hộ mậu dịch cũng được đẩy mạnh, cơ chế đa phương đặt trọng tâm vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) suy yếu dần. Ngược lại, thương mại trên nền tảng kỹ thuật số sẽ ngày càng phát triển, cạnh tranh giữa các quốc gia cũng khốc liệt hơn. Xu hướng tái cấu trúc mạng lưới cung cấp tập trung vào các nước phát triển sẽ được đẩy nhanh. Theo đó, chiến lược của MTIE đặt trọng tâm vào đối phó chủ động với những thay đổi trên, thiết lập trật tự thương mại dựa trên hợp tác và liên minh.
Để thực hiện chiến lược này, Chính phủ Hàn Quốc quyết định lập cơ chế phối hợp quốc tế nhằm xúc tiến thương mại và đầu tư thuận lợi. Trước hết, Hàn Quốc sẽ mở rộng áp dụng ưu đãi về quy trình nhập cảnh nhanh cho nhân lực thiết yếu của doanh nghiệp. Tiếp đến, sẽ thành lập Trung tâm Hỗ trợ tổng hợp về đi lại cho doanh nhân trực thuộc Hiệp hội Thương mại quốc tế (KITA), hỗ trợ một cửa về mọi khó khăn liên quan tới quá trình nhập cảnh và xuất cảnh của nhân lực các doanh nghiệp. Dự kiến, trung tâm này sẽ ra mắt vào tháng 8 tới với nguồn nhân lực lấy từ MTIE, Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM), Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), với nhiệm vụ hỗ trợ về chuyến bay thuê bao, cấp giấy xác nhận tình trạng sức khỏe và giấy miễn cách ly...
Bên cạnh đó, Hàn Quốc dự kiến sẽ thảo luận việc áp dụng chế độ hỗ trợ xuất nhập cảnh khi xảy ra đại dịch giữa 3 nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc - Trung Quốc - Nhật Bản) với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về nội dung giảm thiểu các biện pháp hạn chế đầu tư, thương mại, giúp nhân lực thiết yếu của các doanh nghiệp đi lại dễ dàng, trao đổi hàng hóa, thông quan thuận lợi khi xảy ra đại dịch. Hàn Quốc cũng quyết định xúc tiến Hiệp định Tự do thương mại (FTA) khái niệm mới (liên kết hợp tác với các nước đang phát triển và mở cửa thị trường ở những lĩnh vực Hàn Quốc quan tâm). Với mô hình FTA mới, Hàn Quốc sẽ truyền thụ kinh nghiệm phát triển công nghiệp của mình, giúp quốc gia đối tác xây dựng hạ tầng công nghiệp, từ đó cải thiện tiếp cận thị trường và khuyến khích dỡ bỏ hàng rào thuế quan.
Chiến lược thương mại mới được công bố sau khi Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố tiếp tục thúc đẩy mở cửa thương mại do lo ngại chủ nghĩa bảo hộ gia tăng sau đại dịch Covid-19. Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), nền kinh tế nước này trong năm nay có thể đối mặt với tăng trưởng âm do sự phục hồi đầu tư chậm hơn dự báo và tình trạng mất việc làm vẫn tiếp tục. Mặc dù tiêu dùng đã phục hồi nhờ một số biện pháp hạn chế các hoạt động kinh tế nhằm ngăn chặn đại dịch được nới lỏng và chính phủ thực hiện gói kích thích, xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm. Nếu đúng như dự báo, năm 2020 sẽ là năm đầu tiên kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng âm kể từ năm 1998, khi nước này lao đao sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và là lần thứ 3 trong lịch sử hiện đại.