Tổng thống Putin xác định các lĩnh vực và nhiệm vụ chính phát triển vùng Bắc cực đến năm 2035, cũng như các cơ chế, giai đoạn và kết quả dự kiến khi thực hiện, đồng thời chấp thuận những dự án quốc gia và các chương trình nhà nước, kế hoạch đầu tư của các công ty cơ sở hạ tầng cũng như các chương trình phát triển cho các vùng và thành phố ở Bắc cực.
Chiến lược phát triển tại Bắc cực của Nga vốn đã được định hình và triển khai từ lâu. Tuy nhiên, trong bối cảnh nước Mỹ đang dồn sự tập trung vào cuộc bầu cử và căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc vẫn chưa được hạ nhiệt, thì đây là bối cảnh và thời điểm không thể thuận lợi hơn để Nga tăng tốc triển khai các kế hoạch củng cố quân sự, pháp lý và khai thác dầu mỏ tại các khu vực địa chiến lược.
Theo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu toàn cầu về năng lượng và khai thác Wood Mackenzie cũng như của các nhà khoa học Mỹ, Đan Mạch... Bắc cực ước tính có trữ lượng lớn tài nguyên như khoảng 1.550 ngàn tỷ m³ khí đốt thiên nhiên đủ để cung cấp nhiên liệu xanh cho toàn thế giới trong 14 năm và khoảng 233 tỷ thùng dầu. Trước diễn biến quá nhanh của biến đổi khí hậu, khu vực này bỗng trở thành điểm nóng bị các nước lớn tranh giành. Cuộc cạnh tranh địa chính trị diễn ra giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc tại đây ngày càng gay gắt.
Năm 2014, Nga bắt đầu sản xuất dầu từ một mỏ ngoài khơi Bắc cực, đánh dấu lần đầu tiên con người khai thác dầu ở Bắc cực. Khu vực Bắc cực mà Nga đang sở hữu còn là nơi có các mỏ giàu niken, đồng, than, vàng, uranium, wolfram và kim cương. Ngày 2-8 vừa qua, lần đầu trên thế giới các thiết bị lặn chuyên dụng của Nga đã đưa thành công 2 người xuống tận đáy Bắc Băng Dương, phía dưới bề mặt Bắc cực. Các hãng tin Nga nhấn mạnh, trong chuyến lặn này, Nga đã cắm quốc kỳ của mình ở đáy Bắc Băng Dương, tại độ sâu hơn 4.000m. Hình ảnh cắm cờ này ám chỉ đến việc Nga có quyền khai thác trữ lượng dầu khí khổng lồ ở dưới đáy Bắc Băng Dương, nơi vốn không có chủ nhân và như vậy, nếu quốc gia nào chứng minh được chủ quyền là có thể khai thác.
Không chỉ là kho tài nguyên khổng lồ, Bắc cực còn là con đường vận chuyển hàng hóa chiến lược của các lục địa Âu - Mỹ. Do vậy, Trung Quốc, tự nhận là một “quốc gia gần Bắc cực”, trong những năm gần đây đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu khoa học ở Bắc cực để mở đường xâm nhập khu vực này. Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc có tham vọng giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên chưa được khai thác, cũng như đẩy nhanh hoạt động thương mại ở tuyến đường biển phương Bắc, còn gọi là “Con đường tơ lụa Bắc cực”, từng được Trung Quốc đưa vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của mình vào năm 2017, nhằm tìm cách củng cố mối quan hệ giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới thông qua các dự án và nghiên cứu cơ sở hạ tầng.
Tất nhiên, Mỹ không đứng ngoài cuộc. Nhưng trong lúc này, theo giới quan sát quốc tế ghi nhận, Mỹ có vẻ lép vế so với Nga và còn bị ngáng chân bởi những nước như Canada, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch. Trong khi Mỹ chưa phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển thì các nước này tuyên bố theo luật quốc tế, họ có những cơ hội và khả năng như nhau về một vùng lãnh thổ ở Bắc cực và đang ráo riết chuẩn bị thực hiện các cuộc thám hiểm của mình trong thời gian sắp tới.