Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Phát triển công nghệ tài chính, đẩy lùi “tín dụng đen”

Ngày 1-7, Báo SGGP Đầu tư Tài chính phối hợp Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia - Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ”.

TS Trần Văn; TS Nguyễn Đức Kiên; nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP, đồng chủ trì tọa đàm. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG
TS Trần Văn; TS Nguyễn Đức Kiên; nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP, đồng chủ trì tọa đàm. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Hướng đến người yếu thế

TS Trần Văn, Viện trưởng IDS, cho biết, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 1-2020, xác định tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện. Trong đó, chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Kết quả nghiên cứu bước đầu của IDS cho thấy, hiện Việt Nam có gần 6 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh, trong đó 30% phải sử dụng tín dụng không chính thức. Nguyên nhân khiến tỷ lệ doanh nghiệp vay thành công thấp là do 80% không có lịch sử tín dụng, 60% không đáp ứng yêu cầu về tài sản thế chấp, 70% không có kế hoạch kinh doanh.

B5b.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Ông Nguyễn Thanh Hiển, Tổng Giám đốc Finviet (với sản phẩm ví điện tử Eco) đánh giá, hiện nay nhu cầu vốn của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ ở Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn gặp khó vì các tổ chức tín dụng thường áp dụng quy trình thẩm định chặt chẽ, các quy định khá phức tạp và không thể bất chấp rủi ro để hạ tiêu chuẩn cho vay. Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhìn nhận khả năng tiếp cận vốn của nhóm doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ... ngày càng xa! Còn PGS-TS Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình, cho rằng, không thể bắt ngân hàng cho vay những khoản vài ba triệu đồng vì chi phí giải quyết hồ sơ cao hơn cả số tiền cho vay. Do vậy, đảm nhận công việc này phải là các tổ chức tài chính vi mô.

Trong khi đó, GS-TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, dẫn chứng câu chuyện của một người quen ở Bến Tre canh tác 2 công đất cần số tiền 15 triệu đồng để trang trải chi phí sản xuất. Trong khi ngân hàng không thể cho vay thì trên mạng xã hội liên tục chào mời những khoản vay hấp dẫn để “săn mồi”. “Nhiều người yếu thế, thu nhập thấp, thường ít có hiểu biết về tài chính, không có kế hoạch về dòng tiền, cần được hướng dẫn để nâng cao hiểu biết”, GS-TS Trần Ngọc Thơ chia sẻ.

Hoàn thiện pháp lý, xây dựng dữ liệu

Theo TS Trần Văn, trên thực tế các doanh nghiệp Fintech (công nghệ tài chính) đã có mặt khá lâu ở Việt Nam, như Momo, ZaloPay, Finviet… với hàng chục triệu người dùng, góp phần đáng kể vào việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ, đó là: cung cấp dịch vụ thanh toán qua thiết bị di động, phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tài chính số cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nêu khái niệm “fincare” - sự chăm sóc về tài chính. Ông cho rằng, việc Nhà nước “chăm sóc về tài chính” với người dân rất quan trọng, nhằm đảm bảo tính bình đẳng. Do đó, cần mạnh dạn hơn trong thúc đẩy Fintech phát triển.

Ông Dương Quốc Anh, Phó Viện trưởng IDS cũng đề xuất, hiện Việt Nam có khoảng 250 công ty Fintech nhưng chưa được tập hợp, nên cần có hiệp hội các công ty Fintech, qua đó có thể đào tạo kiến thức tài chính cho người tiêu dùng hoặc góp tiếng nói để xây dựng hành lang pháp lý về tài chính tốt hơn.

Còn theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, ngoài hành lang pháp lý cho Fintech thì cần sớm có luật bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính. Bởi khi đứng trước các định chế tài chính thì không chỉ người thu nhập thấp, hay doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, mà khách hàng nói chung đều là người yếu thế cần được bảo vệ.

Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp Fintech vẫn đang hoạt động theo mô hình “giấy phép thử nghiệm” với nhiều hạn chế. Để các doanh nghiệp Fintech có thể tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ thích đáng về mặt thể chế. PGS-TS Đặng Ngọc Đức, Đại học Đại Nam, cũng nhìn nhận, cần thay đổi mạnh mẽ chính sách về Fintech, bởi loại hình này không đơn giản là thanh toán hay dịch vụ tài chính, mà là tương lai của ngành tài chính; mọi đối tượng dễ dàng tiếp cận được tín dụng chính thức một cách nhanh chóng, thuận lợi và chi phí thấp. Khi đó sẽ góp phần rất lớn đẩy lùi “tín dụng đen”.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhất trên thế giới, nhưng hiện Fintech ở Việt Nam mới chủ yếu giải quyết ở dịch vụ thanh toán. Mặc dù đã có ứng dụng chấm điểm khách hàng cá nhân, nhưng bước tiếp theo phải trả lời được: có nên cho đối tượng vay hay không, xác định khả năng rủi ro là bao nhiêu, các biện pháp xử lý rủi ro… Muốn làm được như vậy, theo PGS-TS Đặng Ngọc Đức, cần phải xây dựng được bộ dữ liệu lớn để ứng dụng cho vay tiếp cận. Khi có bộ dữ liệu càng lớn thì thiết bị càng thông minh, càng rút ngắn được thời gian giải quyết hồ sơ cho vay và quản trị rủi ro tốt hơn.


PHẠM THÚY CHINH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội:

Cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách thí điểm để người sử dụng dịch vụ tài chính được tiếp cận dịch vụ với chi phí hợp lý. Tôi đánh giá cao nội dung và mục tiêu mà tọa đàm đề ra. Các công ty Fintech - với lợi thế giao dịch không tiếp xúc vật lý, chi phí rẻ, thời gian quyết định nhanh chóng, xóa bỏ mọi khoảng cách địa lý giữa người tiêu dùng và cơ quan cung ứng dịch vụ, sẽ hỗ trợ đắc lực cho tổ chức tín dụng truyền thống trong việc phủ “tín dụng trắng” đến tất cả đối tượng có nhu cầu trong nền kinh tế, đặc biệt là nhóm yếu thế.

TS NGUYỄN THỊ HÒA, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng:

Có 2/9 chỉ tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia khó đạt là tỷ lệ phòng giao dịch/1.000 dân và điểm dịch vụ tại các xã. Rất mong sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Ở góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi cố gắng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo môi trường thuận lợi hơn để cung và cầu hoạt động.

Nhà báo NGUYỄN THÀNH LỢI, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP:

Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam ngày càng phát triển, cung ứng dịch vụ tài chính trải rộng khắp địa bàn cả nước. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức; các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số, nhưng cũng đi kèm rủi ro, đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải nhanh chóng được bổ sung hoàn thiện. Việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức của người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp, sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn còn có khoảng trống. Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp Fintech, cũng như các nhà hoạch định chính sách để tìm giải pháp cho các vấn đề trên.

Ông NGUYỄN THANH HIỂN, Tổng Giám đốc Công ty Finviet:

Kinh nghiệm quốc tế là hình thành kênh cung ứng vốn riêng cho nhóm đối tượng yếu thế trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức tín dụng và công ty Fintech. Thế mạnh của các tổ chức tín dụng là quy trình nghiệp vụ chặt chẽ, còn thế mạnh của Fintech là công nghệ, cung cấp nguồn dữ liệu đa dạng để phục vụ việc xem xét, ra quyết định cấp tín dụng một cách nhanh chóng, hiệu quả, an toàn.

Ông NGUYỄN BÁ DIỆP, Phó Chủ tịch HĐQT, đồng sáng lập nền tảng ví điện tử MoMo:

Bất kỳ một tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, tín dụng nào cũng đều đau đầu với 2 bài toán: nâng tỷ lệ ra quyết định cấp tín dụng thành công lên mức cao nhất và hạ tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp nhất. Công nghệ chính là lời giải đồng thời cho 2 bài toán đó. Chúng tôi chấm điểm tin cậy của khách hàng dựa trên hành vi tiêu dùng, tần suất sử dụng, đánh giá người sử dụng dịch vụ có thanh toán các hóa đơn và khoản vay đầy đủ, đúng hạn hay không, từ đó đề xuất các gói vay phù hợp với từng khách hàng.

Tin cùng chuyên mục