Theo Japan Times, số lượng SP ở Nhật Bản bắt đầu tăng vào cuối những năm 2010 nhưng nhiều tấm pin trong số đó sẽ hết hạn sử dụng vào những năm 2030, điều này có thể dẫn đến tình trạng thải loại hàng loạt. Theo các nguồn tin, để chuẩn bị cho kịch bản này, chính phủ sẽ yêu cầu các công ty và những bên khác tái chế SP để giảm tác động đến môi trường. Các nguồn tin cho biết chính phủ cũng đang cân nhắc áp dụng hình phạt đối với hành vi vứt bỏ SP mà không tái chế. Cuối tháng này, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp và Bộ Môi trường sẽ thành lập một nhóm chuyên gia để xây dựng các phương pháp cụ thể liên quan tái chế SP và biên soạn một gói các biện pháp hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ tài chính, sớm nhất là vào cuối năm nay. Nhóm này sẽ đệ trình một dự luật liên quan lên phiên họp thường kỳ của Quốc hội vào năm tới.
Hiện tại, việc tái chế SP là không bắt buộc và nhiều tấm pin được đưa đến các bãi chôn lấp. Loại tấm pin phổ biến nhất, với các tế bào quang điện silicon, chứa chì và một số tấm pin chứa các vật liệu độc hại khác như cadmium. Vì SP có tuổi thọ 20-30 năm nên đến nay việc thải loại vẫn chưa có tác động đáng kể đến môi trường. Tuy nhiên, ước tính hơn 170.000 tấn SP sẽ bị thải loại vào cuối những năm 2030. Nếu không có hệ thống phù hợp, việc xử lý những rác thải này có thể gây ra tác động lớn đến môi trường. Các vật liệu thu hồi từ SP đã qua sử dụng như thủy tinh và silicon có thể được tái sử dụng.
Bên cạnh việc yêu cầu tái chế các SP, Tokyo cũng sẽ thúc đẩy việc sử dụng các pin quang điện perovskite (PSC), được phát minh tại nước này. PSC nhẹ, mỏng và có thể gấp lại, cho phép gắn trên tường của các tòa nhà và nóc xe ô tô. Tuy nhiên, PSC có tuổi thọ ngắn hơn so với tấm pin mặt trời khoảng 10 năm. Điều đó khiến chính phủ cân nhắc trợ cấp để trang trải một phần chi phí tái chế, vì mục tiêu của chính phủ là thúc đẩy hệ thống tái chế cho PSC.