Chiến lược quốc gia chống biến đổi khí hậu

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis vừa thông báo, nước này đang thúc đẩy 21 sáng kiến trị giá 780 triệu EUR để bảo vệ đa dạng sinh học biển và giải quyết vấn đề ô nhiễm ven biển. Dự án là một trong những tham vọng của Hy Lạp nhằm thể hiện vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Với 29.417 hòn đảo và hơn 20.700km bờ biển, Hy Lạp có bờ biển Địa Trung Hải dài nhất so với bất kỳ quốc gia ven biển nào. Vì vậy, bảo tồn biển rất quan trọng đối với văn hóa, kinh tế của đất nước và được coi là 1 trong 4 trụ cột của chiến lược chống biến đổi khí hậu của Hy Lạp.

Q8b.jpg
Vùng đất thần thoại Hy Lạp nổi tiếng với những vùng biển tuyệt đẹp. Ảnh: GREEK REPORTER

Trụ cột thứ nhất là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh để Hy Lạp dần dần đáp ứng nhu cầu điện từ các nguồn tự nhiên - 60% trong năm nay và 80% vào năm 2030. Trụ cột thứ hai là củng cố đất nước và nhà nước trước thiên tai. Trụ cột thứ ba là trật tự công cộng và môi trường xây dựng. Và trụ cột cuối cùng là bảo vệ biển. Hy Lạp cũng vừa ban hành luật mở rộng các khu bảo tồn biển tới hơn 30% lãnh hải vào năm 2030. Do đó, trong khuôn khổ các sáng kiến này, Hy Lạp dự định thành lập 2 công viên hải dương ở biển Ionia và ở biển Aegean.

Các công viên hải dương của nước này sẽ được xác định ranh giới sau cuộc nghiên cứu khoa học vào đầu năm 2025, dự kiến sẽ bao trùm 32% diện tích vùng biển Hy Lạp. Hy Lạp cũng có kế hoạch giảm 50% ô nhiễm nhựa và 30% ô nhiễm vi nhựa vào cuối thập niên này. Và để xúc tiến các chiến dịch nhằm hạn chế ô nhiễm nhựa, nước này đang xây dựng các trạm sạc tại 12 cảng cho tàu điện và thiết lập hệ thống giám sát các khu vực biển vì các hoạt động đánh bắt cá, chẳng hạn đánh bắt đáy bằng lưới kéo gây tổn hại đến đáy biển, sẽ bị cấm ở tất cả các khu biển vào năm 2030.

Bên cạnh đó là kế hoạch giải quyết một số mối lo ngại về bảo tồn đại dương và khí hậu thông qua các khu bảo tồn biển, nghề cá bền vững, phát triển gió ngoài khơi, tăng cường an ninh hàng hải, khử carbon trong vận tải hàng hải và các mô hình du lịch bền vững. Tại hội nghị Đại dương của chúng ta (Our Ocean), được Athens đăng cai tổ chức từ ngày 15 đến 17-4, với sự tham dự của khoảng 120 quốc gia, Hy Lạp sẽ trình bày chiến lược quốc gia về bảo vệ đa dạng sinh học biển này. Một quan chức chính phủ giấu tên cho biết, hơn 400 cam kết mới trị giá 10 tỷ USD sẽ được công bố trong ngày cuối cùng của hội nghị. Trong tuyên bố được đưa ra trước thềm hội nghị, Thủ tướng Mitsotakis khẳng định: “Lặng lẽ nhưng có phương pháp bài bản, Hy Lạp đang đóng vai trò hàng đầu trong việc phòng thủ trước những biến đổi khí hậu nghiêm trọng, vốn đang ảnh hưởng đến tất cả các khu vực và mọi hoạt động”.

Tháng trước, Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho hay, nhiệt độ đại dương đã đạt mức cao kỷ lục vào tháng 2. Việc đánh bắt cá quá mức và ô nhiễm nhựa cũng là những mối đe dọa lớn đối với đại dương. Nghiên cứu cho thấy đến năm 2040, lượng nhựa xâm nhập vào các đại dương trên thế giới có thể gần gấp 3 lần, nếu các nước không tăng cường hành động.

Tin cùng chuyên mục