Loại bỏ tư duy phát triển kinh tế tỉnh
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm. Để thực hiện con số này, cần dựa vào 2 mục tiêu then chốt về năng suất, là đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50% và tốc độ tăng năng suất lao động trung bình trên 6,5%. Ở góc độ này, trừ giai đoạn cải cách ngay sau đổi mới 1991-1995, đóng góp của TFP chưa bao giờ chạm ngưỡng 50% và trong các giai đoạn bất ổn như khủng hoảng tài chính châu Á và khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ trọng đóng góp của TFP thậm chí là rất thấp, tương ứng chỉ là 11,5% và 2,3%.
Nếu nhìn vào kinh nghiệm tăng trưởng và phát triển kinh tế của nước ta từ đổi mới thì đây là những mục tiêu rất tham vọng bởi tốc độ tăng trưởng GDP đang giảm dần và giảm nhanh trong 2 thập niên gần đây. Nếu tăng trưởng GDP trung bình trong thập niên 1990 và 2000 lần lượt là 7,6% và 7,2% thì tốc độ này giảm xuống chỉ còn 6,3% trong giai đoạn 2011-2019, nếu tính cả năm 2020 chỉ còn khoảng 5,9%.
“Với tình trạng bấp bênh của kinh tế và chính trị toàn cầu như hiện nay, nếu không được cải thiện thì khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình 7% trong thập niên tới sẽ rất khó khăn, nhất là nếu tốc độ cải cách và chất lượng chính sách quốc gia không được cải thiện một cách cơ bản. Mặt khác, để đạt được tốc độ tăng trưởng và thành tích tăng năng suất này, đòi hỏi nền kinh tế phải có động năng khác hẳn, trong đó khu vực tư nhân, nhất là trong nước, cần đóng vai trò then chốt”, TS Vũ Thành Tự Anh nói.
Cùng quan điểm này, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng, để đạt con số 7% cần phải đổi mới tư duy về cách làm, định hướng chiến lược. Đây là lần thứ 4 chúng ta làm chiến lược phát triển kinh tế 10 năm nhưng về cơ bản cách đặt vấn đề, phân tích và định hướng vẫn không mới. “Nếu không có quyết tâm cao về chính trị, không huy động tốt mọi nguồn lực phát triển kinh tế trong 10 năm tới thì không bao giờ còn cơ hội, vì dân số Việt Nam ngày càng già đi. Thay đổi cấu trúc dân số đang diễn ra rất nhanh, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam đã bắt đầu suy giảm và xu thế này tiếp tục duy trì trong thập niên tới. Trên thực tế, chưa có quốc gia nào dân số già mà lại phát triển nhanh được. Tôi rất lo chúng ta chưa kịp giàu mà đã già đi” TS Trần Du Lịch chia sẻ.
Theo đề xuất của TS Trần Du Lịch, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 cần có điểm nhấn, trong đó cải cách thể chế kinh tế phải mang tính hệ thống, đồng bộ; cần mạnh dạn loại bỏ tư duy phát triển kinh tế tỉnh vì kinh tế tỉnh thì sẽ không phát triển được kinh tế vùng; loại bỏ quan điểm ngân sách theo kiểu xin - cho như hiện nay; tăng phân cấp, phân quyền. Trong lĩnh vực đào tạo, cần gia tăng đào tạo lao động có tay nghề, biết làm việc, thay vì đào tạo theo kiểu chú trọng bằng cấp.
DN tư nhân phải là động lực phát triển
Bàn về vai trò, định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp (DN) ngoài Nhà nước trong thời kỳ chiến lược 2021-2030, nhiều ý kiến cho rằng khu vực kinh tế tư nhân đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ Đảng và Nhà nước. Từ vị trí nhỏ nhoi bên lề, hiện nay khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp trên 2/3 GDP, khoảng 2/3 tổng đầu tư, hơn 80% giá trị sản xuất công nghiệp và hơn 90% công ăn việc làm trong khu vực chính thức.
Tuy nhiên, khu vực DN tư nhân trong nước gần như chỉ có sự phát triển về lượng. Theo đó, khu vực DN tư nhân trong nước chỉ đóng góp chưa tới 10% trong tổng GDP của Việt Nam, chưa bằng 1/2 của khu vực FDI và chưa bằng 1/3 của khu vực kinh tế cá thể. Đồng thời, hơn 98% số DN tư nhân trong nước có quy mô nhỏ và vừa; quy mô vốn bình quân của các DN tư nhân trong nước nhỏ. Sức chống chịu của DN tư nhân trong nước đối với các cú sốc từ bên ngoài rất hạn chế. Năng lực cạnh tranh, khả năng kết nối của các DN tư nhân trong nước vào các chuỗi giá trị toàn cầu hết sức hạn chế.
Trong khi đó, DN tư nhân trong nước đang gặp phải những rào cản như: Quyền sở hữu tuy được ghi nhận trên giấy nhưng việc thực thi bảo hộ những quyền ấy còn yếu kém. DN tư nhân chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, trong đó quan trọng nhất là đất đai, tín dụng và cơ hội kinh doanh. Sự nhũng nhiễu của bộ máy quản lý nhà nước đối với DN chưa giảm. Thiếu vắng các thể chế hỗ trợ thị trường hoặc nếu có thì hoạt động kém hiệu quả.
Để khu vực DN tư nhân trong nước thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, TS Vũ Thành Tự Anh khuyến nghị, trong bối cảnh chưa thể thu nhỏ một cách quyết liệt khu vực DN Nhà nước, nhất là các tập đoàn và tổng công ty, Chính phủ cần cải cách hệ thống quản trị của các DN này, đưa chúng vào môi trường cạnh tranh và chấm dứt cứu trợ cho những DN hay dự án thua lỗ nặng nề kéo dài. Đối với khu vực FDI, bên cạnh việc thu hút có chọn lọc, hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, thì phải tìm cách cho các DN nội địa kết nối vào mạng lưới cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu, phải là một ưu tiên chính sách quan trọng của Chính phủ trong giai đoạn tới.
Ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia tư vấn và đào tạo doanh nghiệp đề xuất, Chính phủ cần có các chương trình hỗ trợ tái khởi nghiệp giúp cho các DN tư nhân trong nước tái cấu trúc, tái định dạng mô hình kinh doanh hoặc đơn giản vươn lên một cấp độ hiệu quả hơn hiện tại. Bên cạnh đó, thúc đẩy tiêu dùng công tại Việt Nam. Cần có các chính sách cụ thể và chi tiết cho từng ngành giúp cho khối tư nhân có thể tiếp cận các chương trình mua sắm công dễ dàng và hiệu quả hơn, tạo nguồn thu bền vững cho kinh tế tư nhân. Có như vậy mới khơi gợi được mọi nguồn lực và DN tư nhân mới thực sự trở thành động lực tăng trưởng, đóng vai trò đặc biệt vào các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội.