Chiến lược giảm nghèo của Philippines

Nghèo đói vẫn là một thách thức nghiêm trọng đối với Philippines khi có hơn 25% dân số của nước này sống dưới mức nghèo khổ. Cho dù nền kinh tế Philippines có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong 2 năm qua (hơn 7%), nhưng các quan chức kinh tế thừa nhận rằng tốc độ giảm nghèo còn chậm và hiện Philippines là một trong số ít các nước ở châu Á nằm ngoài khả năng đạt được Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) về giảm nghèo vào năm 2015 (phải xuống mức 17,2%).

Trong “Kế hoạch phát triển Philippines” nhằm đưa hàng triệu người thoát nghèo mà Chính phủ Philippines vừa công bố, đứng đầu trong số các biện pháp chống đói nghèo là sự gia tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng lên 5% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến năm 2016, tăng nhiều so với mức năm 2013 là không quá 3%. Cơ sở hạ tầng xuống cấp của Philippines từ lâu đã bị giới doanh nhân và kinh tế chỉ trích là một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự thịnh vượng đất nước, làm tăng chi phí vận tải và năng lượng, kìm giữ một số khu vực sa lầy trong tình trạng kém phát triển và ngăn cản giới đầu tư.

Theo ngân hàng Metropolitan Bank & Trust Co., mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Philippines tăng cao trong năm 2013, nhưng nước này vẫn tụt lại phía sau các nước láng giềng Đông Nam Á về đầu tư trực tiếp nước ngoài trung bình hàng năm. Việc thiếu cơ sở hạ tầng và sự thất bại trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ lâu được coi là một hạn chế tăng trưởng quan trọng đối với nền kinh tế Philippines.

Trong khi dòng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ đã và đang hỗ trợ tăng trưởng các nước châu Á khác - tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập, tăng cường các hoạt động kinh tế và công nghệ. Do vậy, bên cạnh một số khu vực khác, kế hoạch sửa đổi lần này tập trung chủ yếu vào các nỗ lực tái thiết khu vực rộng lớn ở miền Trung bị siêu bão Haiyan và trận động đất tàn phá, cướp đi sinh mạng hàng ngàn người hồi năm ngoái.

“Kế hoạch phát triển Philippines” được chỉnh sửa lần này cũng đặt ra những mục tiêu kinh tế đầy tham vọng hơn để giải quyết mối quan tâm dai dẳng mà trong đó người nghèo Philippines không được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong những năm gần đây.

Trước đó, nhiều nhà phê bình cho rằng mặc dù tăng trưởng kinh tế tăng hơn 7% - một trong những tỷ lệ cao nhất của châu Á - nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao trong khi tỷ lệ đói nghèo hầu như không giảm. Lợi ích kinh tế vẫn chưa cải thiện được đời sống của đa số người dân. Chỉ một số lĩnh vực là đang hưởng lợi ích từ những tăng trưởng kinh tế trong khi rất nhiều người Philippines đã không được chạm tay tới những thành quả này của đất nước.

Do vậy, ngoài tăng chi tiêu đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng, chính quyền Manila còn áp dụng những cải cách mới, chủ yếu cải tiến các nối kết giữa những trung tâm đô thị - nơi tăng trưởng tập trung và các khu vực nông thôn nghèo - nơi chiếm tỷ lệ không nhỏ trong dân số 100 triệu người của đất nước.

Theo đuổi kế hoạch sửa đổi, Chính phủ Philippines hy vọng nền kinh tế sẽ tăng hàng năm khoảng 7,5% - 8,5% cho đến năm 2016, giúp hạ thấp tỷ lệ nghèo từ 25,2% xuống còn 18% - 20 % vào năm nay.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục