Báo cáo Chainalysis 2024 cho thấy Việt Nam đang xếp thứ 5 toàn cầu về mức độ chấp nhận tài sản mã hóa, với hơn 20 triệu người Việt sở hữu tài sản này, chiếm khoảng 20% dân số. Dòng vốn mã hóa vào Việt Nam trong năm qua tăng nhanh, ước đạt 120 tỷ USD, tương đương hơn 1/4 GDP quốc gia.
Đặc biệt, hơn 85% người làm nghề tự do tại Việt Nam sở hữu tài sản mã hóa và 34% sẵn sàng chấp nhận thanh toán bằng tài sản mã hóa, tạo nền tảng tiềm năng cho lĩnh vực công nghệ tài chính số hóa.
Nhằm đẩy mạnh vai trò của blockchain trong nền kinh tế, ngày 22-10-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về phát triển blockchain, đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia dẫn đầu khu vực.
Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Hiệp hội đang thúc đẩy hợp tác và đề xuất xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát - sandbox, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới trong môi trường an toàn trước khi triển khai rộng rãi.
Tại hội nghị quốc tế WOW Summit 2024 diễn ra tại Bangkok (Thái Lan), ông Trần Huyền Dinh, đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã có bài tham luận chia sẻ về vấn đề Đổi mới thanh toán xuyên biên giới thông qua nghiên cứu và hợp tác quốc tế, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp lý toàn cầu đối với sự phát triển bền vững của công nghệ chuỗi khối, nhất là khi công nghệ này và tài sản mã hóa ngày càng thu hút sự quan tâm trên toàn cầu.
Số hóa tài sản thực (RWA - Real World Assets) sẽ là chiến lược để đưa blockchain vào ứng dụng đời sống, tạo nền tảng cho các giao dịch và thanh toán quốc tế minh bạch, an toàn.
“Chiến lược “From global to local” để thu hút du khách quốc tế và nhà đầu tư đến Việt Nam, khuyến khích sử dụng dịch vụ thanh toán địa phương bằng stablecoin hoặc tài sản mã hoá. Chiến lược này không chỉ hỗ trợ kinh tế địa phương mà còn giúp Việt Nam khẳng định vị thế trong lĩnh vực công nghệ tài chính số hóa. Bên cạnh đó, vai trò của chia sẻ dữ liệu trong bối cảnh chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT) là rất quan trọng. Điển hình như ChainTracer - một sáng kiến của VBA, nhằm ngăn chặn lừa đảo và tăng cường an ninh tài chính. Từ khi ra mắt vào năm 2022 đến nay, ChainTracer đã giúp thu hồi hơn 2 triệu USD từ các vụ lừa đảo trên không gian số tại Việt Nam và cung cấp hơn 50 báo cáo hỗ trợ cơ quan điều tra”, ông Trần Huyền Dinh chia sẻ thêm.
Trên thế giới, mô hình sandbox đã và đang phát triển mạnh mẽ, nổi bật là chương trình của Cơ quan Quản lý tài chính (FCA) tại Anh, được coi là một trong những mô hình tiên phong, giúp tháo gỡ rào cản pháp lý và thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực công nghệ.
Với hơn 700 công ty tham gia thử nghiệm và thu hút hơn 1,3 tỷ USD đầu tư vào các doanh nghiệp fintech và công nghệ mới, đây là mô hình mà Việt Nam có thể tham khảo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp blockchain trong nước phát triển và hội nhập quốc tế.
Tại WOW Summit 2024, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác với WOW Summit Hong Kong, nhằm tăng cường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác blockchain giữa Việt Nam và cộng đồng công nghệ toàn cầu.
Sự hợp tác này không chỉ khẳng định vai trò của VBA trong việc kết nối doanh nghiệp Việt với thị trường quốc tế mà còn mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp, hội viên Việt Nam tham gia sâu rộng vào các dự án công nghệ toàn cầu.
Hội nghị quốc tế WOW Summit 2024 có sự tham gia của hơn 7.000 người và 150 diễn giả đến từ 30 quốc gia, đây là cơ hội để các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi, tìm kiếm hợp tác trong lĩnh vực Web3, AI, fintech và blockchain.
Sự hiện diện của Hiệp hội Blockchain Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực blockchain mà còn mở ra cơ hội kết nối, thu hút đầu tư và thúc đẩy ứng dụng blockchain trong đời sống, hỗ trợ doanh nghiệp và hội viên tham gia vào các dự án công nghệ toàn cầu.