Với chiến lược này, Thái Lan muốn nâng mức đóng góp của ngành du lịch cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 20% trước đại dịch Covid-19 lên 30% vào năm 2030.
Trong khi đó, Tổng cục Du lịch Thái Lan dự báo nước này sẽ đón khoảng 7-10 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm nay. Chiến lược “SMILE” của Thái Lan được viết tắt từ các chữ: S (Sustainability: Bền vững về mọi khía cạnh), M (Manpower: Nâng cao kỹ năng của nguồn nhân lực du lịch lên tiêu chuẩn quốc tế), I (Inclusive economy: Nền kinh tế bao trùm, đảm bảo tất cả các khu vực kinh tế đều được đưa vào ngành du lịch), L (Localisation: Bản địa hóa, thúc đẩy tính độc đáo của các cộng đồng như là điểm thu hút du lịch), và E (Ecosystems: Thúc đẩy du lịch sinh thái và môi trường địa phương).
Theo Thủ tướng Prayut, chiến lược “SMILE” sẽ giúp cải thiện bền vững ngành du lịch của Thái Lan và đảm bảo rằng nước này thích ứng với sự thay đổi của thế giới về mọi khía cạnh. Đây cũng là bước đệm để Thái Lan hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến du lịch chữa bệnh, từ đó giúp thúc đẩy nền kinh tế. Trước khi bùng phát đại dịch Covid-19, ngành du lịch đóng góp 3.000 tỷ baht (87 tỷ USD) cho nền kinh tế Thái Lan vào năm 2019, chiếm 18% GDP của cả nước, trong đó 2.000 tỷ baht đến từ khách du lịch nước ngoài (chiếm 12% GDP) và 1.000 tỷ baht từ du lịch nội địa (chiếm 6% GDP).
Thái Lan là một trong những nơi đầu tiên trên thế giới mở cửa trở lại đón du khách vào cuối năm 2021. Nước này hy vọng từ nay đến cuối năm, du khách đến Thái Lan, phần lớn từ châu Âu, Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ sẽ chi ít nhất 630 tỷ baht (18 tỷ USD). Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Công ty Dịch vụ tài chính J P Morgan (trụ sở ở New York, Mỹ) đã đưa ra nhận định thận trọng hơn về du lịch Thái Lan, một phần do thiếu lịch trình quay trở lại của du khách Trung Quốc do Bắc Kinh đang thực hiện các chính sách “zero Covid-19”.