Đây là chuyến công du thứ 2 của ông Michel tới Trung Á, sau chuyến đi tới Kazakhstan dự Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Á lần thứ nhất diễn ra vào tháng 10-2022. Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Á lần thứ 2 diễn ra tại TP Cholpon-Ata ở Kyrgyzstan, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Kazkhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan. Trong khi đó, Turkmenistan cử một phái đoàn tham dự hội nghị.
Trọng tâm của hội nghị là làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Trung Á và EU. Phát biểu với báo giới, ông Charles Michel cho biết, Brussels muốn có quan hệ đối tác “chân thành” với khu vực giàu năng lượng này. Theo ông Michel, Brussels muốn duy trì an ninh và ổn định trong khu vực; đồng thời nhấn mạnh khả năng hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ, khí hậu, năng lượng, an ninh, giao thông và du lịch.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã thúc đẩy các cường quốc toàn cầu như Trung Quốc và EU tìm kiếm một vai trò lớn hơn ở Trung Á, nhất là về kinh tế. Hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc và 5 quốc gia Trung Á tại Tây An, miền Bắc Trung Quốc. Theo các nhà quan sát, đối đầu Đông - Tây gia tăng đã tạo cơ hội cho các nước Trung Á nâng cao vị thế quốc tế của họ, thu hút các nguồn đầu tư mới và yêu cầu tăng cường hợp tác an ninh từ các đối tác mới, chẳng hạn như EU.
Chiến lược năm 2019 của EU với Trung Á có tiêu đề “Cơ hội mới cho quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn”, bao gồm 3 chuỗi ưu tiên: khả năng phục hồi, thịnh vượng và hợp tác khu vực. Gần đây, các vấn đề môi trường được đưa thêm vào danh sách các ưu tiên. EU là nhà cung cấp viện trợ hàng đầu ở Trung Á.
Từ năm 2014-2020, nguồn tài trợ hợp tác phát triển của EU sang Trung Á lên tới 1,1 tỷ EUR (1,2 tỷ USD) dưới dạng tài trợ không hoàn lại, hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ ngân sách trực tiếp. EU cũng là đối tác đầu tư chính của các nước Trung Á, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.