Suốt gần 20 năm, chiếc xe đạp ấy đã đồng hành cùng ba rong ruổi trên mọi con đường miền quê xứ Quảng. Nó đã lần lượt “chuyên chở” anh em tôi vào cổng trường đại học và là người bạn, “chiến hữu” thân thiết của ba tôi.
Dịp Tết vừa rồi, anh em chúng tôi tụ họp đầy đủ về quê đón Tết cùng ba má. Trong lúc cả nhà đang hối hả dọn dẹp, trang hoàng lại ngôi nhà để chào đón năm mới thì má bỗng nảy sinh ý tưởng đem chiếc xe đạp cà tàng, cũ kỹ mà ba vẫn treo nơi phòng khách để cất vào kho cho gọn gàng. Nghe xong ba nổi giận đùng đùng và nhất quyết không chịu, bởi với ba “chiếc xe đạp ấy đã trở thành chiến hữu, người bạn đồng hành với ba trong những năm tháng gian khổ của cuộc đời”.
Cuối những năm 1980, khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia trở về, ba kết hôn với má và được ông nội tặng món quà cưới là chiếc xe đạp mà ba vẫn kể “thời đó nó quý vô cùng”. Xuất ngũ trở về, ba chưa có công việc ổn định, chỉ quanh quẩn với mấy sào ruộng được ông bà ngoại cho làm quà cưới, tất cả đều trông chờ vào những buổi chợ tảo tần ngược xuôi của má. Thế rồi anh em chúng tôi lần lượt chào đời, sau khi sinh má đau ốm liên miên nên việc buôn bán, chạy chợ đành gác lại. Gánh nặng kinh tế đè trĩu lên đôi vai của ba, sau nhiều ngày suy nghĩ, ba quyết định dùng chiếc xe đạp ông nội tặng để mưu sinh nuôi gia đình.
Ba bước vào nghề xe thồ từ đó. Xe thồ, nghe thô mộc nhưng người dân quê tôi vẫn hay dùng để chỉ những người chở thuê, tương tự nghề xe ôm trong Sài Gòn mà sau này khi vào học đại học tôi mới biết. Thời đó cứ mỗi buổi sáng, sau khi lo cho má và chở anh em tôi đến trường là ba lại bắt đầu với những vòng quay mưu sinh. Để có tiền, chở gì ba cũng không ngần ngại, xuống tận bến tàu để chở cá vượt chục cây số cho kịp buổi chợ sớm, len lỏi vào những chiếc xe khách vừa dừng đổ nơi bến xe để chào mời chở khách, có khi ba lại nhận chở bàn ghế, heo gà cho các đầu mối tận các huyện miền núi đến tối mịt mới về.
Đạp xe nặng nhọc, hai bàn chân ba bị sừng hóa, từng ngón chân thô cứng và nứt nẻ, đến mùa lạnh thì đau buốt nhưng ba vẫn cắn răng chịu đựng, không hề bỏ một buổi nào. Vẫn với bộ quần áo lao động nhàu nát thấm đẫm mồ hôi, vẫn với chiếc xe đạp không một chỗ ngồi tươm tất, màu sơn loang lổ và cặp lốp mòn vẹt thấm đẫm bụi trần, ba đã có ngót nghét gần 20 năm theo nghề xe thồ. Những vòng xe thấm đẫm mồ hôi ba lăn đều trên những con đường phố thị dần dà đưa anh em tôi vào giảng đường đại học. Má cũng đã khỏe hơn, công việc buôn bán gặp nhiều thuận lợi nên ba đã bỏ nghề để phụ giúp má. Má tích cóp mua được cho ba chiếc xe gắn máy để chạy cho đỡ vất vả, anh em tôi cũng bắt đầu đi làm nuôi sống được bản thân.
Sau bao nhiêu năm giã từ nghề xe thồ, chiếc xe đạp cũ kỹ ấy vẫn được ba lau chùi cẩn thận và treo trang trọng nơi phòng khách như nhắc nhở mỗi thành viên trong gia đình không bao giờ quên “chiến hữu” đã đồng hành với ba trong những năm tháng gian khó. Xa rồi những vòng quay đều đặn trên những bánh xe nhưng anh em chúng tôi vẫn luôn thầm cảm ơn người bạn, “chiến hữu” thân thiết ấy của ba.
VÕ HOÀNG TUẤN (Quảng Nam)