Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga với Ukraine

Ngày 24-2, ngay sau khi thông báo triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass, miền Đông Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Nga không có kế hoạch chiếm đóng lãnh thổ Ukraine” và sẽ “đáp trả ngay tức khắc mọi mối đe dọa từ bên ngoài”.

Chiến dịch đặc biệt

Theo hãng tin TASS của Nga, trong bài phát biểu phát trên truyền hình, Tổng thống Putin cam kết các binh sĩ Nga sẽ “làm đúng bổn phận (của họ) và quyền hành pháp ở Nga sẽ được vận dụng nhanh chóng và hiệu quả”.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định nước này không tấn công các thành phố ở Ukraine. “Cơ sở hạ tầng quân sự, trận địa phòng không, sân bay và lực lượng không quân Ukraine đã bị vô hiệu hóa bằng các loại vũ khí có độ chính xác cao”. Lực lượng này cũng tuyên bố không nhằm vào các thành phố hay dân thường.

Theo hãng tin RIA ngày 24-2, Nga đã bác bỏ các thông tin về việc máy bay Nga bị bắn hạ trên không phận Ukraine. Trước đó, quân đội Ukraine thông báo có 5 máy bay và 1 trực thăng của Nga bị bắn hạ tại miền Đông Ukraine.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga với Ukraine ảnh 1 Một vụ nổ ở thủ đô Kiev, Ukraine sáng 24-2

Trong thông báo mới nhất, Cơ quan hàng không liên bang Nga (Rosaviatsiya) cho biết Nga đã tạm dừng các chuyến bay nội địa đến và đi từ một số sân bay gần biên giới với Ukraine tới ngày 2-3. Những chuyến bay tại các sân bay ở thành phố Rostov-on-Don, Krasnodar, Anapa, Gelendzhik, Belgorod, Voronezh, Stavropol và một số thành phố khác đã phải tạm dừng.

Ukraine ban bố thiết quân luật

Ngày 24-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố nước này đã cắt quan hệ ngoại giao với Nga. Thông tin trên đã được Tổng thống Zelenskiy đưa ra trong một thông điệp bằng video. Đây là lần đầu tiên quan hệ Nga và Ukraine gián đoạn kể từ khi Liên Xô giải thể vào năm 1991. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ban bố thiết quân luật trên toàn quốc sau khi Nga thông báo triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Donbass, miền Đông Ukraine.

Trong một tuyên bố riêng rẽ, quân đội Ukraine khẳng định thông tin về việc binh lính Nga xuất hiện ở Odessa, miền Nam nước này, là tin đồn thất thiệt. Trước đó, Quốc hội Ukraine đã thông qua tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng đối với toàn bộ lãnh thổ Ukraine từ ngày 24-2 và kéo dài trong 30 ngày, ngoại trừ vùng Donetsk và Luhansk ở miền Đông đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp từ năm 2014.

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp cho phép mỗi khu vực của Ukraine sẽ có quyền chọn lựa các biện pháp an ninh phù hợp để áp dụng như hạn chế một số loại phương tiện nhất định, tăng cường kiểm tra xe tham gia giao thông, hay yêu cầu cung cấp giấy tờ. Ngoài ra, các sự kiện đông người cũng tạm thời bị cấm trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp. Riêng tại thủ đô Kiev, lực lượng an ninh sẽ kiểm tra gắt gao hơn các cửa ngõ chính vào thủ đô, nhà ga và sân bay.

Phản ứng của quốc tế

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Washington và đồng minh sẽ trừng phạt nặng Moscow. Ông J.Biden cho biết ông sẽ gặp các lãnh đạo nhóm G7 vào ngày 25-2 (giờ Mỹ) và các nước sẽ áp những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc để đáp lại chiến dịch quân sự của Nga. Các lãnh đạo châu Âu cũng muốn Nga chịu trách nhiệm. Trong phản ứng sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ), Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi Nga dừng tấn công.

Theo hãng tin Sputnik, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ đệ trình một gói trừng phạt cụ thể và có quy mô lớn để các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) xem xét thông qua. Gói trừng phạt này sẽ nhằm vào các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế Nga thông qua việc chặn tiếp cận với các công nghệ và các thị trường then chốt với Nga; đóng băng các tài sản của Nga ở EU, cũng như cấm các ngân hàng Nga tiếp cận với các thị trường tài chính châu Âu.

Trong khi đó, Đức tuyên bố EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) sẽ áp đặt lệnh trừng phạt quy mô lớn với Nga, đồng thời tăng cường an ninh và phối hợp với các đồng minh. Về phần mình, Bộ trưởng phụ trách châu Âu và Bắc Mỹ của Anh James Cleverly tuyên bố vương quốc này sẽ áp đặt mức độ trừng phạt “chưa từng có” đối với Nga.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga với Ukraine ảnh 2 Xe quân sự trên một con phố ở ngoại ô thành phố Donetsk, Ukraine. Ảnh: REUTERS

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang theo dõi sát tình hình ở Ukraine và nói rằng lo ngại an ninh của tất cả các bên cần được tôn trọng. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và ngăn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát”, hãng tin THX dẫn lời người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Trung Quốc. Bắc Kinh khẳng định sẽ không cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào, cũng như kêu gọi tất cả các nước cùng bảo vệ an ninh năng lượng.

Việt Nam khẳng định Hiến chương LHQ là cơ sở quan trọng cho hành động của cộng đồng quốc tế. Khóa họp thường niên của Ủy ban đặc biệt về Hiến chương LHQ đã khai mạc ngày 23-2 tập trung thảo luận vai trò của Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình và hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hiến chương LHQ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và là cơ sở quan trọng cho hành động của cộng đồng quốc tế trong những thời điểm khó khăn.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine vẫn theo dõi sát tình hình và liên lạc với cộng đồng người Việt. Chưa sơ tán, không hoang mang. Đại sứ quán sẽ có quyết định sơ tán tùy vào tình hình thực tế.


Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) - ông Dan Smith nhận định việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Donbass (miền Đông Ukraine) “khó có thể dẫn đến” kịch bản xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba như nhiều người lo ngại.

Về các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, ông Smith đánh giá các biện pháp trừng phạt được coi là hình thức trừng phạt lâu dài và thường không thể ngăn chặn những gì đang xảy ra. Về lâu dài, các biện pháp đó có thể mang lại hiệu quả, song không thể thay thế được biện pháp ngoại giao. Ông khẳng định: “Không có sự lựa chọn nào khác ngoài giải pháp ngoại giao”.


Thiệt hại ban đầu từ hai phía



Hãng tin Nga Sputnik dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga ngày 24-2 cho biết đã phá hủy 74 mục tiêu cơ sở hạ tầng quân sự trên mặt đất của Ukraine sau các đợt không kích. Hiện chưa có thông tin thêm về vị trí các mục tiêu mà Nga đã đánh phá. Trước đó, quân đội Nga tuyên bố nhiều đơn vị Ukraine đã buông vũ khí hoặc rời bỏ vị trí.

Giới chức Ukraine cho biết quân đội nước này đã phá hủy 4 xe tăng Nga, tiêu diệt 50 binh sĩ và bắn rơi chiếc máy bay thứ 6 của Nga. Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Mezhyhirya cho biết nước này đã bắn rơi 3 trực thăng Nga ở khu vực quanh thủ đô Kiev.

Cùng ngày, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết khối này có kế hoạch tổ chức sơ tán, bao gồm cả nhân viên khỏi các khu vực ở Ukraine bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Phát biểu với báo giới, ông Borrell nêu rõ EU sẽ tích cực hỗ trợ các hoạt động sơ tán, bao gồm cả các nhân viên của khối, khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến sự.

Ngoài ra, EU cũng sẽ xem xét các phương án để hỗ trợ cho Ukraine. Cơ quan nhân quyền Liên hiệp quốc cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ cho những người dân sơ tán khỏi Ukraine và các nước lân cận. Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cho biết đang làm việc với chính phủ các nước láng giềng với Ukraine, kêu gọi mở cửa biên giới đón những người tìm kiếm sự an toàn.

Tin cùng chuyên mục