Như nhiều hộ nông dân trên vùng đất Di Linh, trước đây gia đình ông Hải canh tác cà phê. Tuy nhiên do loại cây này hay bị biến động bởi giá cả, mất mùa nên năm 2012, ông Hải đã tìm hiểu và đăng ký trở thành đối tác liên kết với mô hình trồng hoa lan vũ nữ xuất khẩu ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).
Ông Cao Xuân Hải cho biết: "Sau hơn 1 năm chuẩn bị cơ sở hạ tầng, hệ thống nhà lưới rộng 5.000m² được hình thành với mức đầu tư khoảng 4 tỷ đồng. Toàn bộ khu vườn đều được áp dụng hệ thống tưới tự động, mặt đất được phủ một lớp màng lưới để ngăn côn trùng, cỏ dại".
Được phía đối tác hỗ trợ kỹ thuật, các chậu hoa được trồng theo đúng quy chuẩn để có thể xuất khẩu. Từ chế độ dinh dưỡng, phun tưới, mức độ cách ly với môi trường bên ngoài... Những chậu hoa cũng được đưa lên giá treo cách mặt đất khoảng 50cm.
Sau khi thu hoạch, hoa được phân loại, đóng gói và chuyển đến xưởng sơ chế. Tại đây hoa được đóng thùng, gắn nhãn mác và mã số riêng mà công ty đã cấp cho từng hộ dân rồi chuyển đi xuất khẩu.
"Trồng hoa theo cách mạnh ai người đó làm theo từng hộ nông dân nhỏ lẻ thì sẽ không thể tự xuất khẩu được. Liên kết thành tổ hợp tác, hoa của chúng tôi có thể xuất khẩu ra thị trường thế giới", ông Hải chia sẻ.
Hiện nay, vườn lan vũ nữ của gia đình ông Hải được mở rộng lên 1,3ha với gần 100.000 chậu, mỗi tháng cắt được trung bình 20.000 cành/ha. Thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Singapore, Campuchia.
Ông Hải cho biết, sau khi trừ các chi phí, trung bình 1 ha lan vũ nữ đã giúp ông thu về từ 1,5 - 2 tỷ đồng/năm.
Ông Đặng Văn Khá, Phó Phòng NN-PTNT huyện Di Linh cho rằng, mô hình trồng lan vũ nữ của ông Hải đã mang lại hiệu quả với mức thu nhập cao, bền vững do đã liên kết tìm được đầu ra ổn định. Tuy nhiên, mô hình này không dễ nhân rộng bởi chi phí đầu tư cao cũng như kỹ thuật canh tác còn khá mới tại địa phương.