Cây sa mu dầu có tên khoa học là Cunninghamia konishii Hayata, thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaceae). Đồng bào dân tộc Thái tại huyện Con Cuông (Nghệ An), nơi có quần thể sa mu dầu gọi cây này là cây Mậy Pẹc.
Sa mu dầu là nguồn gen quý hiếm, được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Loài cây này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có giá trị kinh tế rất cao. Gỗ sa mu dầu là loại gỗ quý, nhóm 1, bền, ít mối mọt, có mùi thơm đặc trưng, hoa vân, màu sắc rất đẹp.
Cây sa mu dầu hơn 2.000 năm sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, phải lội bộ 3 ngày mới tới, được một nhóm chuyên gia về đa dạng sinh học phát hiện năm 1998. Cây nằm ở thượng nguồn Khe Bu thuộc địa bàn xã Châu Khê (huyện Con Cuông), có chiều cao khoảng hơn 70m, đường kính thân hơn 5,5m. Tháng 10-2010, cây được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.
Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát chia sẻ, “cụ” sa mu dầu này là niềm tự hào không chỉ của riêng cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Pù Mát mà còn cả tỉnh Nghệ An. Cán bộ, nhân viên vườn đã và đang bảo vệ quần thể sa mu và “cụ” sa mu một cách tốt nhất để phục vụ công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen quý của loài cây này.