Quốc hội đã tiếp tục hoạt động chất vấn với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sáng nay 5-6. Vấn đề phát hiện, xử lý sai phạm trong việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư được các ĐBQH tiếp tục đề cập thẳng thắn.
Nêu câu hỏi từ chiều hôm trước, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) tiếp tục “truy vấn” về việc Thanh tra Bộ Xây dựng đã chuyển cho cơ quan điều tra hình sự xử lý về tội lạm dụng tín dụng quỹ bảo trì chung cư hay chưa. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận, thực tế nổi lên những bức xúc của người dân trong việc đóng góp, bàn giao, quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí quản lý vận hành (chiếm khoảng 15% số lượng tranh chấp).
Theo ông, một nguyên nhân quan trọng là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vận hành nhà chung cư đã được cập nhật, bổ sung, nhưng nhiều nội dung vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.
Để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cam kết sẽ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là Thông tư số 02/2016/TT liên quan đến mô hình quản lý nhà chung cư; quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư; tổ chức hội nghị nhà chung cư; chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư…
Theo ĐB Nguyễn Mai Bộ, xử lý nghiêm hành vi chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nghèo. Dân chiếm đoạt 5 triệu đồng thì bị xử lý hình sự, trong khi các chủ đầu tư chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng quỹ bảo trì ở một toà chung cư thì lại không bị xử lý hình sự?!
Là một trong những ĐBQH đã nêu chất vấn về vấn đề này, ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TPHCM) tiếp tục phát biểu: “Bộ trưởng nói sửa Thông tư 02 thì phải cam kết giải quyết cho được tình trạng này, nếu không người dân mất lòng tin; kẻ xấu lợi dụng để nói xấu Đảng, Nhà nước”.
Khép lại nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề về xây dựng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ tiếp thu các ý kiến của ĐBQH.
Cho dừng thực hiện với các quy hoạch điều chỉnh vi phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn đang thực hiện hoặc chưa thực hiện, đồng thời có các giải pháp đầu tư hạ tầng để đáp ứng yêu cầu gia tăng dân số và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm.
Về việc khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo (đất bỏ hoang), Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Sau khi có quy hoạch được phê duyệt, các địa phương phải chủ động lập kế hoạch thực nghiệm quy hoạch (theo Nghị quyết 11 của Chính phủ). Trong đó xác định rõ lộ trình nguồn lực đầu tư (vốn ngân sách hay vốn xã hội) và các dự án ưu tiên để triển khai thực hiện”.
Đặc biệt, theo ông, các địa phương cần vào cuộc, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định do lỗi của nhà đầu tư cũng như xử lý trách nhiệm các cán bộ quản lý gây ách tắc tiến độ, gây thiệt hại cho nhà nước, đầu tư.
Về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại dự án số 8 Lê Trực (ý kiến ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng- Bình Dương), Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Vụ việc này thuộc trách nhiệm của UBND TP Hà Nội. Nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP Hà Nội xử lý nghiêm sai phạm của công trình này. UBND TP Hà Nội cũng đã tập trung xử lý, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xong”.
Tới đây, Bộ Xây dựng cùng với các cơ quan liên quan phối hợp với UBND TP Hà Nội xử lý dứt điểm những sai phạm trong xây dựng công trình đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân trong quá trình quá trình xử lý cũng như trong quá trình sử dụng công trình, bảo đảm không gian kiến trúc cảnh quan khu vực. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan kiểm tra xử lý việc vi phạm tại khu nhà ở HH Linh Đàm theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của cư dân.
Về chất vấn các giải pháp khắc phục ách tắc trong thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình xây dựng, Phó thủ tướng nói: “Để giảm thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và dự toán của các cơ quan chuyên môn về xây dựng, yêu cầu tập trung một số giải pháp như hoàn thiện pháp luật về xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp cho các địa phương; lồng ghép các nội dung thẩm định dự án để giảm thiểu thời gian thẩm định; cải cách thủ tục hành chính, áp dụng cơ chế một cửa liên thông để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư”...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng cần tiếp tục chú trọng việc tổ chức bộ máy chuyên môn về xây dựng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả; đi đôi với việc xử lý nghiêm các cán bộ gây phiền hà sách nhiễu trong thi hành công vụ.
Nhập nhằng công - tư du lịch tâm linh Cuối phiên họp chiều qua 4-6, ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc đầu tư xây dựng các công trình tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng có diện tích đất cả ngàn hécta. “Tuy nhiên, vẫn chưa rạch ròi giữa khu đất dành cho tâm linh và đất thương mại dịch vụ, sau này có thể biến tướng do điều chỉnh quy hoạch. Bộ trưởng cho biết việc quy hoạch hàng ngàn hécta, như vậy ở Việt Nam chúng ta có nên không? Dân thì thiếu đất sản xuất, đất thì hữu hạn, các nước khác có như Việt Nam chúng ta không?" ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM). Ảnh: QUOCHOI Sáng 5-6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời rằng, vấn đề đại biểu nêu đã được điều chỉnh bởi Luật Đất đai, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và pháp luật liên quan như Luật Bảo vệ môi trường… “Các dự án kết hợp mục đích tâm linh, tôn giáo hiện nay được kiểm soát bằng công cụ chủ yếu là giấy phép xây dựng. Trong giấy phép xây dựng có quy định cụ thể việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước tôn giáo địa phương”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết. Trên thực tế, đúng là có việc một số địa phương vận dụng không thống nhất các quy định, quy chuẩn về sử dụng đất trong dự án hỗn hợp. Bộ trưởng cam kết tới đây sẽ có quy định cụ thể hơn về vấn đề này theo hướng phân biệt rõ ràng đất dành cho mục đích tâm linh, đất dành cho du lịch và mục tiêu khác để đảm bảo chặt chẽ việc quản lý, sử dụng đất và xử lý vấn đề về tài chính đất đai. ĐB Phạm Văn Hoà tiếp tục đề nghị Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết việc quy hoạch ngàn hécta cho các công trình như vậy ở Việt Nam có nên không, trong khi dân thì thiếu đất sản xuất, đất thì hữu hạn, các nước khác có như Việt Nam chúng ta không? Nêu cùng vấn đề này với Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng sử dụng quyền tranh luận. ĐB nói: “Ở đây có sự nhập nhằng công – tư”. ĐB Trương Trọng Nghĩa dẫn thông tin từ báo chí nói “nhà nghèo không đi chùa được vì nhiều dịch vụ phải đóng tiền”. Theo ĐB, có một nghịch lý ở đây là trong khi Luật Tài sản công quy định rất chặt về sử dụng đất, thì ở nhiều dự án loại này, nhà đầu tư tư nhân được cấp đất đến vài chục ngàn hécta, “như thế thì có kiểm soát được không”? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng trả lời hai vị đại biểu bằng văn bản. |