Phim kiếm hiệp ì xèo, phim Quỳnh Dao đẫm lệ hay những trận bóng đá mờ mờ nhòe nhòe từng là gạch nối bao xóm làng.
Ngoài những buổi cơm chiều, cùng nhau coi tivi là khoảng thời gian của quây quần, đoàn tụ. Bọn con nít háo hức chờ đến 18 giờ để xem Những bông hoa nhỏ, người lớn chuộng bản tin thời sự trong nước, rồi đến những bộ phim truyện dài tập…
Mở tivi coi từng là hiệu lệnh báo hiệu kết thúc một ngày tất bật việc đồng áng, mưu sinh, học hành. Thời đó, đi coi tivi ké của nhà hàng xóm không phải là chuyện xấu hổ, nó trở thành một nét đặc trưng. Những nhà có tivi cũng không giấu giếm, trời vừa sụp tối, họ rinh cái tivi đặt ngoài hiên, bà con chòm xóm cũng không ngại ngần, tự nhiên đến xem, rồi cùng uống trà bàn luận chuyện trong nhà ngoài phố. Sự thơm thảo, cái tình nằm hết ở đó...
Đến những năm 2000, ở đô thị từng có một cuộc đua rầm rộ… trên các mái nhà. Khi kinh tế khá giả hơn và chưa có sự xuất hiện của truyền hình số, đó là thời điểm vàng cho truyền hình analog phát triển. Những cột ăng ten thu phát sóng mọc chi chít vượt lên trên mái nhà, người gắn sau phải làm cao hơn người gắn trước để bắt sóng tốt hơn. Khi ngắm nhìn từ trên cao, hình ảnh trên như một cuộc đua thể hiện sự vươn lên về kinh tế, địa vị của chủ nhân những ngôi nhà ở bên dưới.
Nhưng đó là câu chuyện trước khi có sự xuất hiện của những chiếc điện thoại thông minh và internet được phổ cập. Truyền thông nghe nhìn một chiều thiếu sự tương tác dần không còn chỗ đứng. Người trẻ ngày nay luôn đau đáu trên hành trình khẳng định bản thân, trở thành một mắt xích trong mỗi dòng sự kiện.
Họ không muốn đứng ngoài cuộc, họ không chỉ nghe, nhìn rồi tiếp thu, mà còn tham gia, tương tác, phản biện, thể hiện. Vì thế mà, những bạn trẻ 9X hay 2K ít khi xem tin tức trên tivi, thay vào đó là xem tivi trực tuyến; không thích nghe radio mà sẽ nghe podcast trên các nền tảng. Ở đó, những dòng bình luận, ý kiến của các bạn lập tức sẽ có người nghe, thấy, phản hồi, lan truyền và đôi khi tạo ra một xu hướng mới…
Không thể phủ nhận sự vượt trội về tính tương tác, hấp dẫn, nhanh chóng của các phương tiện truyền thông khác lấn át các chương trình truyền hình. Trên thế giới của Facebook, TikTok, YouTube, mỗi người đều có thể trở thành người sáng tạo nội dung. Và tất cả chợt quên mất sự tồn tại của chiếc tivi.
Đã bao lâu tôi và những đứa em đang là sinh viên đại học không bật tivi lên coi? Thật không rõ ràng, nhưng chiếc tivi đã phủ đầy bụi rồi. Tôi không vội gửi nó về quê, nấn ná với hy vọng sẽ lập lại thói quen mấy chị em cùng ăn cơm tối và xem tivi. Nhưng rồi chiếc tivi vẫn không thể trở lại là nó trong đời sống tinh thần của chúng tôi như đã từng. Tôi quyết định đóng gói, gửi nó về quê, nơi mà nó vẫn còn rơi rớt lại giá trị với những người mà công nghệ chưa vươn tới, bao phủ. Ở đó, ba tôi và thằng cháu học lớp 5 vẫn hay giành nhau chiếc tivi xem tin tức hay hoạt hình; các cô - chị tiểu thương theo dõi từng tập phim truyền hình, bàn nhau chuyện bản tin an ninh trật tự vừa xảy ra ở đâu đó.
Chiếc điện thoại có thể thay thế chiếc tivi. Duy chỉ một thứ khác biệt, đó là sự gắn kết…