Đến khi có thời gian rảnh, hết bị dồn vải của khách, mẹ thường may khâu cho anh em tôi. Với 3 anh trai của tôi, mẹ luôn cắt may một loại vải và một kiểu đồ, kể cả áo lẫn quần. Riêng tôi là con gái, mẹ cắt vải “dôi ra” từ vải may đồ của mẹ, vì mẹ nói, cắt may như thế để “xoay tới xoay lui” được, càng tiết kiệm càng tốt. Đa phần các gia đình thời đó đều khó khăn và nhà tôi cũng không là ngoại lệ.
Phần chiếc máy may, không biết khi bắt đầu học may, mẹ tôi tự mua hay được bà ngoại “cắt phần” từ những chị của mẹ đã may vá trước đó để lại. Đến khi bọn tôi lớn lên, chiếc máy may đã quá cũ rồi. Cũng từ nghề may, cái máy may cũ đó, mẹ cùng cha nuôi 4 anh em tôi trưởng thành. Anh Hai học hành bài bản, ra làm thợ may nối nghiệp mẹ. Tôi, đứa con gái nhỏ nhất nhà, được cha mẹ anh em cưng chiều, nhất quyết không chịu học may. Bây giờ, khi đã lập gia đình, tôi mới thấy không học may vá, thêu thùa là một thiệt thòi rất lớn đối với phụ nữ.
Dù không biết cắt may theo công thức, nhưng từ nhỏ, mỗi khi mẹ bận việc khác, không may vá, là tôi tót lên lôi vải vụn của mẹ ra nghịch máy may. Vì vậy, đường may của tôi cũng rất “bện”, biết điều chỉnh chỉ nhặt, chỉ thưa, biết tự may đồ búp bê. Cái cảm giác thích thú nhất của tôi là lúc cắt, phối vải rồi tự mình may và lộn ngược lại thành hình quả thị, sau đó tỉ mỉ độn vải vụn vào bên trong để tôi làm nơi ghim những cây kim may tay mỗi khi lược chỉ cho cái áo cái quần nào đó cho khách vừa xong. Chính những lần mày mò, nghịch ngợm như thế mà bây giờ, tôi luôn có nhiều ý tưởng sáng tạo mỗi khi mua đồ may sẵn, phần nào không ưng ý thì tháo ra, cắt, chỉnh sửa rồi may lại, nhìn chung cũng… rất được!
Đó là về chiếc máy may của mẹ. Một thời gian sau, cha mẹ tôi đi hỏi cưới chị dâu đầu của tôi. Chị cũng là thợ may lành nghề. Về nhà chồng, “của hồi môn” mà bác sui cho, chính là cái máy may mà chị dâu đã và đang sử dụng. Bây giờ, “thời hoàng kim” của những thợ may vườn đã không còn nữa, bởi người tiêu dùng ưa thích những mặt hàng may công nghiệp, may gia công hơn. Dẫu vậy, chị dâu tôi vẫn giữ nếp sinh hoạt cũ, có nghĩa là may vá, thêu thùa cho mọi thành viên trong gia đình, ít mua các mặt hàng may sẵn. Điều này làm tôi xúc động khi mặc cái áo hay bộ đồ được chị đo may. Tôi cảm nhận được trong từng đường kim mũi chỉ có cái tình đong đầy của chị dành cho tôi - đứa em gái duy nhất của chồng. Chị về làm dâu nhà tôi vừa đúng 30 năm. Cái thâm tình này qua thời gian, ngày càng gắn kết. Chị và tôi luôn xem nhau như chị em ruột.
Những chiếc may máy cũ đã qua sử dụng hàng mấy mươi năm, hiện vẫn được chị dâu tôi sử dụng dưới quê. Ngay cả chiếc máy may của mẹ tôi cũng được chị “tiếp quản”. Mẹ tôi đã tuổi cao, sức yếu, hàng ngày phải có người trông nom, nhưng thỉnh thoảng, bà vẫn nhắc về kỷ niệm với mấy mươi năm làm thợ may lành nghề.
Chiếc máy may cũ của mẹ và của chị dâu tôi vẫn nằm ngay cửa sổ, nơi có ánh nắng chiếu vào sáng nhất, để thỉnh thoảng chị may đồ mới cho các cháu, khâu vá đồ cũ cho anh trai tôi đi làm đồng. Những chiếc máy may cũ im lặng nằm đó, nhưng với chúng tôi, đó là những vật dụng quen thuộc. Tôi cứ dặn đi dặn lại chị dâu, đừng bán đi, cũng đừng nên thay đổi vị trí của chúng. Tôi sợ hôm nào đó về thăm nhà, những chiếc máy may không còn nằm đó, tôi sẽ cuống cuồng đi lục tìm ký ức.