Văn hóa không chỉ bao gồm những nhân tố (tạm gọi là bề nổi) như âm nhạc hay ẩm thực, mà còn bao gồm cả những niềm tin và giá trị mà những người sống trong nền văn hóa đó nắm giữ - theo định nghĩa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO).
Nếu như cách đây vài tháng, nhiều người gốc Á ở Mỹ hay một số nước châu Âu từng là nạn nhân hứng chịu những ánh nhìn kỳ thị, thậm chí bị hành hung khi ra đường đeo khẩu trang, thì sự khác biệt về văn hóa này đang thay đổi mạnh mẽ.
Hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên đeo khẩu trang nơi công cộng ngày 11-7 đã tràn ngập trên các phương tiện thông tin thế giới đã là minh chứng thuyết phục nhất cho sự thay đổi này.
Cuộc tranh cãi về vấn đề đeo khẩu trang nổ ra ngay từ thời kỳ đầu dịch bùng phát, khi nhiều nước châu Á sử dụng khẩu trang như một trong những biện pháp cần thiết để phòng chống virus, còn phần lớn các nước phương Tây không coi trọng. Khi đó, các chuyên gia văn hóa và tâm lý học cho rằng, chính những khác biệt về văn hóa, thói quen, đặc biệt là cách tiếp cận và quan điểm, nhận thức không giống nhau về phòng chống dịch bệnh đã dẫn tới những ý kiến trái ngược về sự cần thiết của việc sử dụng khẩu trang trong dịch Covid-19.
Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều nghiên cứu và dữ liệu dịch tễ học chứng minh đeo khẩu trang giúp hạn chế lây lan virus SARS-CoV-2, cũng như thực tế kiểm soát dịch hiệu quả ở một loạt quốc gia, thì tại Mỹ và các nước phương Tây, những thông điệp kêu gọi đeo khẩu trang cũng bắt đầu xuất hiện dày đặc trên các tấm áp phích, băng rôn ngoài đường phố cho đến trang mạng. Đây là điều mà chỉ vài tháng trước là cực kỳ hiếm thấy, nếu không muốn nói là chưa từng có.
Rõ ràng, nhận thức về văn hóa đeo khẩu trang đã có những thay đổi rõ rệt trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vẫn tiếp tục tăng đang phản ánh phần nào ý thức tự bảo vệ bản thân cũng như thể hiện trách nhiệm tập thể đối với xã hội của mỗi người.
Cựu Bộ trưởng Y tế Pháp Jean-François Mattéi còn nhận định, đeo khẩu trang trong dịch bệnh “có khả năng trở thành điều bình thường” ở các nước phương Tây khi Covid-19 kết thúc. Nói như vậy không có nghĩa là những tranh cãi về vấn đề đeo khẩu trang đã chấm dứt.
Ngay tại tâm dịch Brazil, chỉ 3 ngày trước khi được xác định nhiễm virus giữa tuần trước, Tổng thống Jair Bolsonaro đã phủ quyết một phần nội dung của dự luật quốc gia quy định người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Khác biệt văn hóa dẫn đến xung đột văn hóa ngày càng diễn ra thường xuyên hơn, một phần vì đi lại giữa các quốc gia dễ dàng hơn, giao tiếp trực tuyến thuận lợi hơn. Tuy nhiên, con người là sản phẩm của văn hóa, nhưng văn hóa cũng đồng thời là sản phẩm của con người. Người ta có thể học hỏi từ những nền văn hóa khác để cải thiện điểm yếu và củng cố điểm mạnh trong văn hóa của mình. Ví dụ, đôi khi trong một bối cảnh đặc biệt nào đó, các giá trị cổ xưa sẽ không còn phù hợp ở thời hiện tại. Gần đây, chính nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng người Hà Lan Gert Jan Hofstede cũng đã đồng tình rằng các giá trị văn hóa đúng là có thể thay đổi, mặc dù chậm.