Ông Nguyễn Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung, cho biết không chỉ đáp ứng nỗi khát khao gần 3 năm qua của nhân dân xã vùng sâu, cầu Bà Thậm còn hoàn tất tâm nguyện của ông Hai Hoàng, người tiên phong và có nhiều công lao trong công tác xây dựng cầu đường tại địa phương.
Xã nghèo, giao thông nông thôn chủ yếu là xuồng ghe, bởi rạch Bà Thậm chỉ mới được xáng múc gần 3 năm nay, đường làng ngổn ngang lầy lội. Hơn 10 năm trước, ông Huỳnh Công Hoàng (Hai Hoàng) đã cất công lặn lội vận động xây hàng chục cầu cây, cầu ván cho xã nhà và các vùng lân cận. Qua nhiều năm, cầu xuống cấp, ông lại đi gõ cửa các nơi để nâng cấp và xây mới. “Lực bất tòng tâm” nên ước mơ một cây cầu bê tông vững chắc ngang rạch Bà Thậm đối với ông vẫn luôn canh cánh bên lòng.
Mãi đến năm 2019, gần 4 năm sau khi ông mất, cầu mới đủ duyên hoàn thành. Cầu có chiều dài 28m, ngang 3,5m; tổng kinh phí 490 triệu đồng, do một nhà hảo tâm ở tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ 300 triệu đồng và chung góp của chính quyền, người dân địa phương. Cán bộ và nhân dân xã ngậm ngùi thương tiếc và tri ân người luôn nặng lòng với dân mà chưa nhìn thấy được cây cầu kiên cố, nên đã thống nhất đổi tên cầu Bà Thậm là cầu Hai Hoàng.
Chị Nguyễn Thúy Hằng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Phú Trung, cho biết: “Chú Hai là cầu nối giữa nhà hảo tâm các nơi và mong ước của bà con địa phương. Mặc dù không còn sống để nhìn thấy cây cầu trong mơ nhưng tôi tin chắc vong linh chú rất vui, bởi nhịp cầu vững chãi này là phương tiện giúp bà con làm ăn dễ dàng trong năm mới”.
Tại lễ khánh thành cầu, ông Nguyễn Văn Hanh (ở ấp Tân Thuận) xúc động: “Suốt 2 - 3 năm nay, bà con phải tự đắp bờ nhỏ để đi. Con nít đi học mưa gió phải đưa rước, bệnh hoạn lúc đêm hôm hay khi nước cạn là thua”. Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Hòa, chia sẻ: “Em quê ở Đồng Nai, theo chồng về miền Tây sông nước, đi qua cầu cây lỏng lẻo phải ngồi xuống bò từ từ. Nhờ có cầu mới, tết quê bớt phần vắng vẻ”.
Chị Huỳnh Thị Bé, cán bộ phụ nữ ấp Tân Thuận, cho biết trước đây người già, trẻ em muốn sang bờ bên kia phải đi qua cầu lớn rồi vòng trở lại hơn cây số, vì cầu cũ bị xuống cấp, đung đưa. Khi biết công trình được khởi công, mặc dù cuối năm bận rộn, bà con vẫn sẵn sàng góp công thiện nguyện làm suốt, nhờ vậy mà kinh phí xây dựng cầu tiết kiệm được 30% so với dự tính.