Xa quê ngoại những mấy chục năm, hè năm kia tôi mới có dịp trở về thăm cái làng đảo nhỏ bé giữa dòng sông Gianh mênh mông mà ánh sáng văn minh chưa đẩy lùi hết mọi dấu tích quá khứ. Ông bà ngoại tôi xưa giàu có nhờ làm nghề thuốc bắc, con cái đông đúc....
Thế rồi theo nhịp tháng ngày, các thế hệ của gia tộc dần dần bỏ quê ra đi người một phương làm ăn, có người định cư tận Mỹ. Ngồi giữ ngôi nhà hương hỏa ba gian rộng rinh là cậu tôi đã gần chín mươi tuổi. Ngôi nhà ấy xây từ bao giờ ai mà biết. Mái nhà nghe nói đã lợp lại mấy lần, nhưng bốn bức tường dày chừng vài gang tay xây bằng mật mía và nhựa dây tơ hồng vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt! Trong nhà, bóng dáng quá khứ vẫn vấn vương đâu đó từ mọi đường nét, màu sắc và âm thanh... trong đó có một chiếc bình vôi màu da lươn to tướng đặt ở hốc tường gần bàn thờ.
Chiếc bình vôi có lẽ không có gì đáng bàn nếu không có cái miệng dài ngoằng do quệt vôi lâu ngày mà thành. Miệng bình đút lọt ngón tay út, còn cắm một que tre vót tròn, đen nhánh và cứng như mũi tên bằng thép. Nhìn miệng vòi xù xì, xin xỉn, rắn chắc tôi cứ thầm hỏi không biết bao nhiêu thế hệ trong nhà này từng quệt vôi trắng lên lá trầu xanh đen nhá với cau tươi cho đỏ thắm đôi môi trong biết bao sinh hoạt xa xưa không thể thiếu miếng trầu?
Tôi hỏi cậu tôi cái bình vôi đó có từ hồi nào? Cậu tôi vận hết trí nhớ, trả lời:
- Hồi nào cậu không biết, chỉ nhớ là từ khi cậu có trí khôn, đã thấy chiếc bình vôi ngồi nơi góc tường ấy rồi!
Vậy có nghĩa là chiếc bình vôi có mặt tại ngôi nhà này đã ngót cả trăm năm nay; và biết đâu từ thuở ông ngoại tôi còn trẻ, đã thấy nó với dung mạo như bây giờ?... Tôi đứng lặng trước cái hốc tường rêu phong với chiếc bình vôi. Đó là một mảng không gian bị niêm phong giữa bao nhiêu vật đổi sao dời. Nó có đời sống riêng trong sự lãng quên của người đời. Nó là cái cột mốc bên con đường vạn dặm, nhận mặt rồi chia tay bao nhiêu lớp người đến rồi đi. Đó là hiện thân của một nền văn hóa ngày nay chỉ còn lại trong tâm thức dân gian.
Khu vườn xưa của ngoại tôi rộng mênh mông nay chia năm xẻ bảy; hàng cau thẳng tắp, cao vút và vườn trầu mướt xanh bốn mùa nay đã mất tăm, chỉ còn đây chiếc bình vôi lẻ loi từ cái bộ ba gắn bó ngàn đời! Chiếc bình vôi gan lì ở lại, góa bụa, đơn côi như chút dư âm của ngày qua vọng về, như mảnh vỡ của quá khứ chưa qua... Tôi cứ nghĩ không rõ chiếc bình vôi truyền đời ấy còn chống chọi với tháng ngày được bao lâu nữa trước cơn lốc của vô vàn biến cố hôm nay? Có lẽ nó vẫn còn như từng vẫn còn, và như một câu chuyện cổ tích, chiếc bình vôi ấy lại sẽ là người kể chuyện cho các thế hệ mai sau.
Tôi ra đi, trong lòng vẫn nhớ chốn xưa đầy thương nhớ ấy, trong đó có chiếc bình vôi mang bóng hình bao người đi trước. Mong sao con cháu các thế hệ, dù đi đâu, ở đâu, tận phương trời nào cũng đừng ai quên ngôi nhà tổ tiên với chiếc bình vôi trầm mặc tồn tại xuyên thế kỷ, là nhân chứng của bao lớp người từ đó trưởng thành tung cánh bay...
Hoàng Thái Sơn