Một góc sân nhà, bà bày ra cái nia to đã được rửa sạch, khô ráo để chuẩn bị cho việc gói bánh chưng. Gạo nếp bà đã đãi sạch từ sớm để ráo trong cái thúng. Lạt giang ông đã chẻ từ hai hôm trước. Thịt lợn, đậu xanh làm nhân bà và mẹ đã chuẩn bị tinh tươm.
Tôi ngồi bên ông, lấy cuống lá đo khuôn bánh để cắt lá cho vừa khuôn và phân loại luôn lá đều, đẹp để riêng làm lá mặt với lá lót. Ông cẩn thận gập lá và vuốt mép lá rất khéo chia mặt bánh thành bốn hình tam giác đều nhau và kín các góc.
Việc của tôi là buộc thêm lạt giang chia bánh thành những ô vuông xinh xắn. Việc buộc lạt cũng tỉ mẩn, cái nọ luồn vào cái kia và xoáy sao cho vừa đủ, không lỏng hoặc chặt quá.
Tận năm chín tuổi, tôi mới được ông cho gói chiếc bánh chưng đầu tiên. Bánh chưng con thường là ông gói tay, không có khuôn nhưng năm đó, tôi không hiểu ông lấy đâu ra cho tôi một khuôn bánh bé xíu.
Ông ngồi nhìn tôi bẻ lá, gấp góc, chỉ nhắc khi thấy tôi làm chưa đúng. Lóng ngóng mãi rồi tôi cũng khép góc, buộc lạt xong. Ông nhìn tôi nhễ nhại mồ hôi giữa trời lạnh mà cười làm tôi không biết nên mừng hay lo. Ông tôi vốn là người rất nghiêm khắc, kiệm lời nhưng chu đáo, cẩn thận, tỉ mỉ, được ông khen thì thật hiếm.
Mọi năm, tôi mải chơi tam cúc với các anh, chị, em, quệt nhọ nồi đầy mặt rồi cả lũ lăn ra ngủ bên chiếc chiếu lót ổ rơm cạnh bếp. Nhưng tối đó, tôi có ý định thức trắng cùng ông canh nồi bánh vì háo hức xem chiếc bánh tự tay mình gói. Ông ngồi châm củi và lẩy Kiều lầm rầm trong tiếng lửa reo và tiếng nồi bánh sôi ùng ục. Thi thoảng có những thân cây gỗ mít chảy nước xèo xèo, xì khói trong bếp. Tôi lấy vài củ khoai ném vào bếp nướng cho vui và đỡ sốt ruột.
Đêm khuya, bóng ông hắt vào vách liếp như dấu hỏi. Thi thoảng tôi dụi mắt, soi đèn cho ông tiếp thêm nước vào nồi bánh.
Ngoài sân, gió bấc ào ào, thi thoảng có cơn gió luồn qua khe liếp làm lạnh cả sống lưng. Mưa tí tách rơi, những giọt nước đọng trên tàu lá chuối gõ lộp độp vào đêm tối rồi im bặt như chìm nghỉm vào hũ mực. Tiếng lợn nhà ai đó bị chọc tiết kêu eng éc, tiếng gà gáy râm ran cả xóm làng.
Khi tôi thức giấc bên ổ rơm thì đã thấy bánh được ông ép cẩn thận vào giữa hai tấm cửa bức bàn, chèn cối đá lên trên. Tôi đưa mắt tìm chiếc bánh của mình. Hóa ra tôi không chiến thắng nổi cơn buồn ngủ. Trong những chiếc bánh treo vào móc, tôi chợt nhận ra chiếc bánh đầu tay của mình vì chỉ mình nó được gói bằng khuôn. Ông gọi từng đứa lên phát cho mỗi đứa một chiếc. Cuối cùng, đến lượt tôi, tôi òa khóc vì cái bánh tôi gói nó xấu xí, méo mó, không vuông vắn, bên dày, bên mỏng, có góc còn lòi cả gạo nếp ra. Ông xoa đầu tôi khen trước mọi người: "Con giỏi lắm, con gói rất đẹp!". Tôi nín bặt và tự nhiên thấy chiếc bánh thật đẹp trong ý nghĩ non nớt của mình.
Năm nào cũng vậy, trong tiếng pháo đì đùng của sáng sớm mùng một đầu năm, bà sắp lễ trong một cái lẵng mây cho hai ông cháu ra lễ đình và lễ chùa. Trong đó, nhất định phải có bánh chưng. Tôi được mẹ diện cho bộ quần áo mới lũn cũn theo ông. Ông vận khăn đóng, áo the, tay cầm ô đen che cho tôi khỏi bị ướt.
Năm sau đó, tôi được phụ ông gói bánh, lần này ông cho tôi gói cả bánh bé lẫn bánh to. Những chiếc bánh dần đều tay và đẹp hơn. Tết năm sau nữa thì ông giao hết việc gói bánh cho tôi, ông chỉ ngồi coi và nhắc nhở. Tôi thấy rất vui, cảm thấy mình đã lớn, được ông tin tưởng giao việc trọng trách.
Tôi đâu có ngờ rằng thời gian bên ông thật ngắn ngủi. Năm tôi mười một tuổi, ra Giêng hơn hai chục ngày là ông bỏ chúng tôi đi về cõi vĩnh hằng.
Đến bây giờ, Tết năm nào tôi cũng gói bánh. Có khi cả nhà chỉ gói mươi chiếc cho có không khí tết. Mỗi lần gói bánh, dâng chiếc bánh đầu tiên lên bàn thờ, tôi lại nhớ đến ông. Tôi nhớ về chiếc bánh chưng đầu tay méo mó của mình được ông khen làm tôi vui cả tết năm đó và khích lệ tôi những khi bắt đầu một công việc khó khăn nào đó.
Bánh chưng không chỉ là ẩm thực riêng của Tết Việt, với tôi, bánh chưng còn chứa đựng cả bao kỷ niệm một thời thơ ấu êm đềm và hạnh phúc bên những người thân yêu.
HÀ KIM QUY
Huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định