Ông Nguyễn Văn Khóa (76 tuổi, ngụ xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) chia sẻ, từ cả chục năm nay, sáng sáng, bác Sáu Khải thường ra đình gần nhà uống cà phê cùng ông Khóa và bà con lối xóm. Bác Sáu Khải lớn tuổi, ngồi trên xe điện tới, có người nhà đi cùng phụ chăm sóc, song ít khi bác vắng mặt. Gặp nhau anh em chuyện trò vui vẻ, thăm hỏi lẫn nhau.
“Nhưng dạo này bác vắng “cà phê sáng” do nằm viện điều trị. Chúng tôi nhớ bác ấy lắm. Nay nghe tin bác qua đời, tôi đến chia tay bác lần cuối”, ông Nguyễn Văn Khóa chia sẻ.
“Bác Sáu Khải như một người cha, người đồng chí, người anh lớn của trường. Dù biết bác Sáu Khải tuổi cao sức yếu song nghe tin bác mất, cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM bàng hoàng”, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt bày tỏ.
Theo Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, đồng chí Phan Văn Khải là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã có nhiều đóng góp tích cực, quyết tâm xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới. Đặc biệt, đồng chí cũng là người ban hành văn bản, chính sách quan trọng phát triển kinh tế đất nước, đồng thời quan tâm đến giáo dục, nhất là giáo dục đại học.
Với Đại học Quốc gia TPHCM, bác Sáu Khải có sự gắn bó đặc biệt, là Chủ tịch danh dự Hội đồng quản lý Quỹ phát triển Đại học Quốc gia TPHCM. Nhờ uy tín của bác, các tổ chức, cá nhân đã có chung tay góp sức cho quỹ và quỹ hoạt động hiệu quả trong thời gian qua.
Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ, bản thân mình và lãnh đạo trường thường xuyên ghé thăm, báo cáo với bác về tình hình hoạt động của trường. Mỗi lần như thế, bác Sáu Khải đề chú tâm lắng nghe và có các góp ý, chỉ dẫn rất xác đáng.
“Bác cũng dặn dò, “Đại học Quốc gia TPHCM cần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng nghiên cứu khoa học để cung cấp cho đất nước nguồn nhân lực chất lượng cao, có các công trình khoa học công nghệ chuyển giao cho cộng đồng, xã hội”. Hôm nay đến chia tay bác, cán bộ, giảng viên, sinh viên trường hứa với bác sẽ làm theo lời bác dặn dò”, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt chia sẻ.