Lê Quang vào Báo Sài Gòn Giải Phóng từ năm 1991, xuất thân là nhà giáo. Lê Quang năm ấy và nhiều năm về sau được phân công viết mảng thanh niên. Bạn xông xáo lăn lộn với phong trào Đoàn TNCS HCM của TPHCM và cả nước.
Tính cách dí dỏm, thông minh, lại chịu đi xa công tác, những năm tháng ấy bạn đã có nhiều bài viết ấn tượng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, ghi lại dấu ấn về những người thanh niên ưu tú, của Đoàn qua các phong trào thanh niên. Không những thế, với tinh thần xung kích, Lê Quang chịu khó học hỏi ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ quay phim… - là cơ sở sau này bạn lấn sâu vào lĩnh vực báo điện tử, quay phim và đạo diễn phim.
Chính tình yêu ấy của người vợ trẻ đã vực dậy bạn từ mép vực tử thần dần về với cuộc sống. Bạn từ nằm liệt giường đã cố gắng tập đi lại trong nhà. Từ lúc nói lắp bắp do di chứng đột quỵ đã dần nói chuyện thông suốt hơn.
Năm 2014, lên thăm Quang ở Hóc Môn. Bạn rất mừng khi gặp người quen. Mặc dù nói còn cà bập, diễn tả ý tưởng còn chưa thông, nhưng Quang rất thích trò chuyện. Mắc nhiều bệnh nặng, nhưng Quang vẫn lạc quan, không than vãn về chuyện bệnh tật của mình, hay chuyện khó khăn kinh tế của gia đình. Bạn chỉ nói chuyện thời sự nóng bỏng của thành phố, của đất nước, và thăm hỏi về những người quen còn làm ở Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Sài Gòn Tiếp Thị, Vietnamnet...
Bạn còn chơi Facebook, xem như một môn thể thao trí óc cho một sức khỏe vốn bị bệnh tật hành hạ. Ít viết bình luận nhưng bạn vẫn thường xuyên quan tâm đến chuyện thời sự nóng của đất nước, thành phố; quan tâm đến việc làm của các bạn ngày xưa là lãnh đạo của Thành đoàn TPHCM nay đảm đương những trọng trách của thành phố và trung ương.
Những tưởng với ý chí mạnh mẽ và sự chăm sóc tận tình của vợ, Quang sẽ dần bước khỏe lại, nhưng vài năm gần đây, sức khỏe bạn ngày càng yếu và những tháng ngày cuối đã nằm bẹp trên giường. Thật tội nghiệp, cô vợ chung thủy của Quang lại cũng mắc bệnh nan y.
Cô kể một lần đi khám bệnh tại thành phố, cô phải dậy sớm nấu cho Quang một nắm xôi, để ngay cạnh giường và một chai nước, để Quang chỉ cần quơ tay là lấy ngay được. Riêng cô đi xe buýt 2-3 chặng để đến bệnh viện, xếp hàng khám bệnh cả ngày, đến chiều mới về tới nhà. Công việc chăm sóc cho chồng nằm liệt giường ở nhà chẳng biết trao cho ai, còn nỗi đau bệnh tật của riêng cô đành nuốt nước mắt vào lòng.
Cách nay không lâu, các bạn lên thăm, Lê Quang dù đã rất yếu, nhưng vẫn nói lên ước nguyện có ngày càng nhiều chiếc tàu y tế đến nơi vùng sông nước miền Tây, những chiếc xe y tế đi đến đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao để chữa bệnh giúp dân nghèo.
Không chứng kiến giờ phút cuối cùng của Quang nhưng tôi tin bạn thanh thản chia tay cõi đời này, như những năm dài chống chọi với bệnh tật. Xin chia tay bạn, một nhà báo đáng quý!