Sáng 19-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật để góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, nhiều ĐB ghi nhận, hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, tuân thủ đúng quy trình và yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng điều kiện trình Quốc hội. Tuy nhiên, quy định về chia sẻ rủi ro cũng như lợi nhuận giữa các bên trong dự án PPP vẫn là vấn đề có được nhiều ý kiến, nhận định khác nhau.
Kiểm toán Nhà nước kiểm soát đến mức nào?
Theo dự thảo luật, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán phần vốn của Nhà nước trong dự án như đầu tư các công trình phụ lợi, hỗ trợ tái định cư... Phát biểu ý kiến tại phiên họp, ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) và một số ĐB khác cho rằng quy định như vậy là không hợp lý, vì như vậy rất khó quản lý những rủi ro trong quá trình thực hiện dự án.
ĐB Hà Thị Lan cho rằng, tài sản hình thành từ các dự án là tài sản công nên phải được quản lý, sử dụng, thanh tra, kiểm toán theo đúng quy định và việc để Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ dự án PPP sẽ giúp cho Nhà nước có thêm kênh giám sát hiệu quả hơn và “chắc chắn không làm ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư”.
Tuy nhiên, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), một chuyên gia kinh tế, lại có quan điểm khác. Theo ĐB Hoàng Văn Cường, về mặt nguồn gốc thì dự án đầu tư PPP thực chất là dự án đầu tư công nhưng khác ở chỗ là nhà nước không phải bỏ vốn toàn bộ mà tư nhân bỏ vốn và tư vấn, phải quản lý, vận hành các công trình này. Chính vì vậy, dựa trên cơ sở chọn nhà đầu tư, trong quá trình triển khai dự án, Nhà nước chỉ kiểm tra, kiểm soát xem nhà đầu tư có tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra, những công năng đặt ra của dự án hay không mà thôi.
“Tôi cho rằng việc đấu thầu để chọn nhà thầu thi công là của nhà đầu tư chứ không nên đưa vào luật, cũng như việc chúng ta quy định phải kiểm toán toàn bộ các dự án đầu tư PPP, việc này cũng không phải là đúng. Chúng ta chỉ thực hiện Kiểm toán Nhà nước đối với phần tiền của Nhà nước bỏ ra, còn phần của tư nhân thì người ta phải chịu trách nhiệm”.
Giải trình thêm với Quốc hội sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phân tích: “Nhà nước quản lý chặt chẽ phần đầu tư công trong dự án PPP là hoàn toàn đúng đắn, nhưng phải trên cơ sở đầu ra của hợp đồng và chất lượng của dịch vụ công mà các nhà đầu tư cung cấp. Phần vốn Nhà nước hỗ trợ cho các môi trường kinh doanh theo hướng 2 hướng. Phần đầu tư của Nhà nước thì tập trung cho chuẩn bị đầu tư hay giải phóng mặt bằng, nếu tách thành một dự án riêng để kiểm toán và kiểm soát riêng chặt chẽ. Nếu hòa trong đầu tư chung cũng phải nằm ở một gói thầu cụ thể để tiện kiểm soát và thanh tra, kiểm tra, kiểm toán”.
Theo người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư, chỉ nên thực hiện Kiểm toán Nhà nước đối với tài sản công và tài chính công.
“Theo kinh nghiệm quốc tế thì nội dung của hợp đồng phải được Nhà nước xem xét kỹ lưỡng trước khi ký kết và có thể thực hiện Kiểm toán Nhà nước ngay từ khâu lập dự án. Nếu chúng ta lập xong, ký hợp đồng rồi mà chúng ta lại kiểm toán lại theo các quy định khác và theo các quy định ở trong nước thì nhà đầu tư không thể yên tâm để thực hiện được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Lời cùng hưởng, lỗ cùng chịu
Tại phiên họp, các ý kiến phát biểu đều đồng ý cần thiết có cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu với nhà đầu tư. Theo dự thảo, khi doanh nghiệp dự án PPP hụt thu thì Chính phủ sẽ chia sẻ không quá 50% hụt thu; khi tăng thu thì doanh nghiệp dự án chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu.
ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) bình luận: “Quy định như vậy theo tôi không công bằng, khó chấp nhận và không có mức cụ thể sẽ dẫn đến mặc cả, xin cho, gây tiêu cực và lợi ích nhóm”.
ĐB Trần Văn Tiến đề nghị nguyên tắc chia sẻ là hụt thu chia sẻ bao nhiêu phần trăm thì tăng thu cũng chia sẻ bấy nhiêu phần trăm và quy định mức cụ thể ngay trong luật; mỗi lĩnh vực đầu tư khác nhau có thể quy định mức chia sẻ khác nhau. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ rõ nguồn kinh phí để chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư, khi xảy ra thì lấy ở đâu và bằng nguồn nào.
Trong khi đó, mặc dù không nêu ra một tỷ lệ cụ thể nào, song ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, “tỷ lệ 50-50 chưa thể hiện được cơ chế khuyến khích đầu tư và có thể dẫn đến việc phát sinh thêm thủ tục hành chính”.
“Mổ xẻ” kỹ lưỡng hơn vấn đề này, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận định, đối với dự án PPP có ba loại rủi ro cần phải quy định rất rõ ở trong luật.
Thứ nhất là rủi ro về chính sách, có thể xảy ra khi Chính phủ không thực hiện đúng chính sách ban đầu đã cam kết, khi đó Chính phủ phải chịu trách nhiệm trong việc chia sẻ, thậm chí là phải bồi hoàn phần lớn rủi ro đó.
Thứ hai là rủi ro thị trường, do trong quá trình thiết kế chúng ta chưa thể lường trước được sự phát triển của thị trường, phần rủi ro thị trường này cần được chia sẻ giữa hai bên.
Thứ ba là rủi ro vận hành, là do khả năng quản lý vận hành của nhà đầu tư là không tốt hoặc là những thay đổi về kỹ thuật mà nhà đầu tư không đáp ứng được. Những rủi ro này chủ yếu là thuộc về cá nhân nhà đầu tư và nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm.
“Việc quy định rất rõ những điều này vào luật sẽ giúp tránh được tình trạng như người dân hiện nay đang thắc mắc là nhiều rủi ro của các dự án tại sao Nhà nước hoặc là người dân phải chịu trách nhiệm”, ĐB Cường nêu quan điểm.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình: “Phải có cơ chế chia sẻ rủi ro này thì các nhà đầu tư mới yên tâm tham gia đầu tư. Đây không phải cơ chế bảo lãnh, đây là cơ chế chia sẻ rủi ro. Mục tiêu của nhà đầu tư, theo chúng tôi hiểu, là kinh doanh để kiếm lợi nhuận chứ không phải là chờ thua lỗ để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc này chúng ta cũng không áp dụng tràn lan mà chỉ một số ít dự án đặc biệt quan trọng và chỉ khi chúng ta không thể điều chỉnh thời hạn thì mới thực hiện”.