Theo Bộ NN-PTNT, trong 8 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu rau quả của cả nước đạt khoảng 2,32 tỷ USD, tăng 46,5% so cùng kỳ năm 2016. Trái cây được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 4 thị trường là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ chiếm khoảng 85% tổng giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam.
Xuất khẩu trái cây tăng liên tục trong mấy năm nay đã giúp nhiều nông dân cải thiện đời sống, từ đó mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất.
Theo thống kê, đến nay diện tích cây ăn trái ở khu vực Nam bộ đạt hơn 410.100ha, chiếm khoảng 47,5% diện tích cây ăn trái của cả nước. Các địa phương phát triển cây ăn trái khá nhiều như Tiền Giang 70.000ha, Vĩnh Long 42.000ha, Hậu Giang 30.700ha, Bến Tre 28.000ha, Sóc Trăng 28.000ha, Đồng Tháp 23.000ha…
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, xuất khẩu trái cây tăng trưởng ấn tượng và rất hứa hẹn trong tương lai; tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay là diện tích canh tác trái cây đạt tiêu chuẩn GAP còn rất ít; mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa nhiều; nông dân chưa nhận thức rõ lợi ích khi tham gia. Chính vì vậy, việc tiêu thụ trái cây vẫn còn ở dạng buôn bán tự phát, riêng lẻ nên chất lượng, mẫu mã không đồng đều và nông dân thường bị thương lái ép giá. Các nhà chuyên môn nhìn nhận, dù có chủ trương khuyến khích, nhưng việc thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ trái cây chưa chặt chẽ, giữa doanh nghiệp và nông dân thiếu sự gắn kết; thiếu cam kết trách nhiệm giữa các bên tham gia…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, cho rằng, để liên kết phát triển trái cây cần phát huy vai trò của hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT). Thế nhưng hiện nay các HTX, THT sản xuất và doanh nghiệp về trái cây dù có tăng nhưng số lượng còn ít, thiếu gắn kết với vùng nguyên liệu, ngoài ra chưa có nhiều mô hình làm ăn thật sự hiệu quả để nhân rộng. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa người sản xuất với nhau, giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ, nhà phân phối, đóng gói… khá lỏng lẻo; vai trò của chính quyền địa phương và các viện, trường còn mờ nhạt, chưa tạo nên động lực mạnh để gắn kết các bên tham gia với nhau một cách bền vững. Cũng cần thấy rằng, lâu nay tâm lý nông dân quen sản xuất cá thể, quy mô nhỏ và trồng vườn tạp, nhiều loại cây nhằm đề phòng mất cây này còn cây khác; đây là vấn đề không thích hợp cho sản xuất lớn mang tính hàng hóa. Nông dân sản xuất nhỏ như vậy không có khả năng tìm thị trường, quảng bá sản phẩm…
Thực tế cho thấy, nông dân, HTX và THT đều có kinh nghiệm về sản xuất cây ăn trái, trong khi doanh nghiệp mới có điều kiện và khả năng về kinh doanh. Tuy nhiên, chính vì quyền lợi khác nhau, chưa chia sẻ lợi ích một cách hợp lý cùng nhau, nên vấn đề liên kết thường rơi vào cảnh tạm bợ, chưa chắc chắn, thiếu bền vững. Tháo gỡ những hạn chế trên, ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt trong liên kết sản xuất trái cây theo chuỗi giá trị. Nhà nước có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trái cây quy mô lớn, gắn với nông dân, HTX, THT; có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà máy chế biến trái cây, kho lạnh bảo quản sau thu hoạch, bởi đây là những điểm yếu trong thu hoạch, bảo quản trái cây hiện nay. Ngành nông nghiệp cần quy hoạch lại vùng sản xuất trái cây diện tích lớn, trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng địa phương; song song đó, tăng cường tuyên truyền để nông dân thay đổi tập quán canh tác từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn, có đầu tư bài bản, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra sản phẩm…
“Phải làm sao để các doanh nghiệp có thể chia sẻ quyền lợi với nông dân. Muốn vậy, Nhà nước phải vào cuộc hỗ trợ và giám sát. Một khi chia sẻ được lợi nhuận, trách nhiệm giữa doanh nghiệp, nông dân và các bên có liên quan thì cây ăn trái sẽ phát triển bền vững, sản xuất sẽ đi vào nền nếp…”, Tiến sĩ Hòa, đề xuất.