Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ An Phong nêu rõ: Sáng tạo trên môi trường số đã mở ra nhiều cơ hội, đưa đến công cụ sáng tạo mới, tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Đây là mảnh đất đầy tiềm năng cho doanh nghiệp, nhà sản xuất nội dung, tổ chức, cá nhân và nhãn hàng trên thế giới. Tuy nhiên, “sân chơi” này cũng đặt ra “bài toán” về bảo vệ bản quyền đối với mỗi sản phẩm nội dung số trên toàn cầu chứ không riêng ở thị trường Việt Nam. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia và tổ chức quốc tế cũng như các chủ sở hữu bản quyền cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kịp thời.
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ, quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tương đối đồng bộ là công cụ hữu ích giúp cho công tác quản lý thực thi hiệu quả hơn. Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp. Vẫn còn tình trạng những người sáng tạo vi phạm bản quyền, công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trong môi trường kỹ thuật số nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu...
Hội nghị diễn ra từ ngày 17 đến 21-6, gồm 34 chủ đề và 50 bài tham luận đến từ các chuyên gia quốc tế và Việt Nam.