Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, đối diện với nhiều vấn đề môi trường và xã hội nổi cộm, Chính phủ các nước đã và đang tập trung chuyển đổi sang mô hình kinh tế bền vững, vừa theo đuổi giá trị kinh tế vừa đảm bảo các cam kết vì lợi ích cộng đồng. Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư và áp dụng các tiêu chí: Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng từ rất sớm. NHNN đã ban hành các văn bản pháp lý để thực hiện. NHNN cũng phối hợp với Công ty Tài chính quốc tế (IFC) ban hành sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 15 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng. Đến thời điểm hiện tại, NHNN đã cơ bản hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Qua tổng kết của NHNN, giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Hiện đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637.000 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Các tổ chức tín dụng cũng quan tâm đẩy mạnh các hoạt động xanh hóa ngân hàng thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hướng dẫn nội bộ về môi trường làm việc xanh, tích cực tham gia hỗ trợ các dự án cộng đồng về môi trường.
Mặc dù vậy, theo đại diện NHNN, việc áp dụng ESG trong hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam vẫn đang ở những bước khởi đầu và gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, như: hành lang pháp lý cho ESG đang trong quá trình hoàn thiện; nhiều doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng vẫn còn nhận thức hạn chế về ESG khiến cản trở quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững; quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải sở hữu tiềm lực tài chính, đào tạo nhân viên, xây dựng cơ sở dữ liệu.
Tại tọa đàm, các diễn giả, chuyên gia, các nhà khoa học đã tập trung trao đổi, thảo luận rõ các nội dung như: làm rõ những vấn đề lý luận chung về vai trò của ESG trong hoạt động kinh doanh ngân hàng; xu hướng ESG toàn cầu và các sáng kiến ESG của hệ thống ngân hàng; thảo luận về những sáng kiến và thực tiễn triển khai ESG trong hệ thống ngân hàng Việt Nam; rút ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân dẫn tới các tồn tại, hạn chế đó.
Đồng thời, các bên cũng trao đổi, chia sẻ bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc về việc thực thi ESG trong hệ thống ngân hàng; các mô hình đánh giá ESG hiệu quả tại các tổ chức tài chính Hàn Quốc, từ đó đề xuất những giải pháp thực tế và khả thi cho việc áp dụng các tiêu chuẩn này vào hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.