Tại diễn đàn, ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của ban, đồng thời thông tin về Khu thương mại tự do được thành lập theo Nghị quyết 136 của Quốc hội.
Theo ông Tỵ, với Nghị quyết 136, Đà Nẵng được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố.
Đà Nẵng cũng được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, nổi bật nhất là cho phép thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu, với mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Nằm ở trung tâm miền Trung Việt Nam, Đà Nẵng có điều kiện giao thông thông suốt, dễ dàng kết nối các tỉnh, thành lân cận và quốc tế. Sự thuận tiện này giúp Đà Nẵng thu hút đầu tư từ khu vực, đồng thời kích thích dòng chảy thương mại và dịch vụ từ các tỉnh, thành khác. Điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Khu thương mại tự do.
Tại diễn đàn, các chủ doanh nghiệp đã tham luận, trao đổi về nhiều chủ đề thiết thực liên quan đến phát triển kinh tế TP Đà Nẵng, cũng như với người lao động trên địa bàn. Ông Okuda Hiroyuki, đại diện Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam, cho hay, đơn vị chú trọng đào tạo nhân tài, không ngừng hợp tác với nhiều trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng, trao học bổng, sắp xếp sinh viên thực tập…
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là tuyển dụng lao động phổ thông. Do tình hình sản xuất tăng cao, công ty cần tuyển nhiều nhân sự hơn.
“Để vượt qua khó khăn này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác và kết nối với các doanh nghiệp, Chính phủ, tổ chức xã hội. Đặc biệt, sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực”, ông Okuda Hiroyuki chia sẻ.
Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Công ty CP Long Hậu - chi nhánh Đà Nẵng, cho biết, để thu hút nhà đầu tư, đơn vị đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với yêu cầu của nhà đầu tư, ứng dụng hiệu quả, tối ưu chi phí và mở rộng linh hoạt.
Đề cập sự kết nối - mối quan hệ gắn kết giữa báo chí chính thống và cộng đồng doanh nghiệp với lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng Biên tập Báo Lao Động cho rằng, đây là một mối quan hệ hợp tác tương hỗ.
Báo chí chính thống không chỉ giúp doanh nghiệp, địa phương quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, bảo vệ uy tín và định hướng dư luận.
Doanh nghiệp, địa phương cần tận dụng sức mạnh của báo chí chính thống để tiếp cận khách hàng một cách chuyên nghiệp, bài bản.
Theo ông Hiển, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, niềm tin của người dân, đối tác chính là tài sản vô giá của mọi doanh nghiệp cũng như địa phương. Không những thế, báo chí chính thống còn giúp bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trước những thông tin sai lệch.
Dịp này, có 7 thỏa thuận hợp tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp được ký kết. Cụ thể:
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng và Công ty CP Kỹ thuật xây dựng Dinco ký kết hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp khu công nghiệp, khu công nghệ cao kinh nghiệm về lĩnh vực xây dựng công nghiệp, thực hiện thủ tục pháp lý liên quan
Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam và Công ty TNHH Giáo dục Quốc tế IYES ký kết về lĩnh vực đào tạo nhằm xây dựng chương trình nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ trong môi trường doanh nghiệp.
Ký kết giữa Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu và Công ty TNHH ARENA TECHNOLOGIES (Việt Nam); Công ty TNHH Giấy Vĩnh Nghiệp và Công ty CP Long Khải; Công ty TNHH Bao bì Tân Long và Công ty CP Vafi; Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất Huỳnh Đức và Công ty TNHH Oceana; Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất Huỳnh Đức và Công ty TNHH Nitto Jokaso Việt Nam.