Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá hiệu quả của Tuyên bố Hội An 2003 và 2009; khuyến khích những sáng kiến mới từ các chủ thể địa phương và khu vực tư nhân về cơ chế bảo vệ và phát triển bền vững tại các đô thị di sản.
Tham gia và chủ trì hội thảo có lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, UBND tỉnh Quảng Nam, đại diện các tổ chức UNESCO, UN-Habitat Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong lòng đô thị cổ Hội An còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn hơn 1.000 di tích kiến trúc cổ như nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ... vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của người Việt, vừa thể hiện sự giao lưu, hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây.
Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Với giá trị tiêu biểu về văn hóa.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đô thị, Hội An cần có sự hợp tác tham khảo, học tập chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau giữa các đô thị di sản trong nước và thế giới; ý kiến đóng góp của các chuyên gia Việt Nam và quốc tế trong công tác bảo tồn các đô thị cổ; sự hợp tác giúp đỡ về khoa học và tài chính của các tổ chức quốc tế... Tỉnh Quảng Nam kỳ vọng được đón nhận những ý kiến quý báu của các nhà quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế, giúp Hội An - Quảng Nam có nhiều kinh nghiệm hơn nữa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiêu biểu này.
Hội thảo họp bàn 2 chủ đề riêng gồm: Quy hoach kiến trúc và phát triển bền vững tại các khu đô thị di sản; Quản lý di sản và cộng đồng địa phương.
Dự kiến chiều nay, tại phiên bế mạc hội thảo sẽ ra Tuyên bố Hội An 2017.