Chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới về kỹ thuật can thiệp tim mạch tiên tiến

Ngày 11-10, tại Đà Nẵng, Phân hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam (thuộc Hội Tim mạch học Việt Nam) tổ chức khai mạc Hội nghị khoa học tim mạch can thiệp toàn quốc lần thứ 10, với chủ đề “Can thiệp tim mạch trong kỷ nguyên mới: Kết nối – Chia sẻ - Thành công”.

Triển lãm, giới thiệu các thành tựu trong lĩnh vực tim mạch can thiệp. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Triển lãm, giới thiệu các thành tựu trong lĩnh vực tim mạch can thiệp. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trong 2 ngày, hội nghị với sự tham gia của hơn 200 báo cáo viên là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch trong nước và quốc tế, đã tổ chức hơn 50 phiên làm việc với các hình thức phong phú và đặc thù trong chuyên ngành tim mạch can thiệp.

Cụ thể, phiên truyền hình trực tiếp về những ca can thiệp tim mạch phức tạp từ một số trung tâm tim mạch trên cả nước; phiên thảo luận đa chiều dựa trên tình huống lâm sàng cụ thể; phiên hướng dẫn thực hành kỹ thuật mới…

Các chủ đề khoa học đa dạng, đầy đủ trong lĩnh vực trong can thiệp tim mạch gồm: những tiến bộ trong can thiệp động mạch vành vôi hóa, thân chung, tắc mạn tính, thăm dò hình ảnh và sinh lý học mạch vành, bóng phủ thuốc, can thiệp tim cấu trúc; vai trò của điều trị nội khoa tối ưu trong can thiệp; vai trò của điều dưỡng trong tim mạch can thiệp.

Ngoài ra, các bác sĩ, điều dưỡng được trải nghiệm thực hành trên mô hình, dụng cụ can thiệp thực tế như tận tay chuẩn bị, sử dụng, điều khiển các dụng cụ thay van ĐMC, sửa van hai lá qua đường ống thông, các thiết lập hệ thống IVUS và phiên giải kết quả...

z5919038632385_3cc7382386ecc08c13c9c1c2f9f1eff6.jpg
GS-TS-BS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Phân hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tại hội nghị, GS-TS-BS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Phân hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam cho biết, hai năm qua, số lượng ca bệnh cần can thiệp tim mạch tại Việt Nam đã tăng gần 20% so với các năm trước, đặc biệt là các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp và bệnh mạch vành. Hiện nay, ước tính có hơn 1,3 triệu người Việt Nam sống chung với bệnh mạch vành. Mỗi năm có gần 100.000 người bệnh được thực hiện các thủ thuật tim mạch can thiệp, trong đó có 40.000 - 50.000 ca can thiệp đặt stent mạch vành. Bên cạnh đó, số bệnh nhân được can thiệp các bệnh lý tim mạch khác cũng gia tăng nhanh chóng như can thiệp nhịp, can thiệp các bệnh tim cấu trúc, can thiệp mạch máu lớn và mạch máu ngoại biên…

Hiện nay, Việt Nam có 6 trung tâm được chứng nhận quốc tế là trung tâm độc lập can thiệp thay van động mạch chủ qua đường ống thông. Trong đó, có 2 trung tâm trở thành là trung tâm đào tạo kỹ thuật này. Điều này là minh chứng cho sự hội nhập và phát triển mạnh mẽ của chuyên ngành tim mạch can thiệp của Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành tim mạch vẫn còn những thách thức và khoảng cách nhất định giữa các tuyến trung ương và địa phương, cũng như khoảng cách với các nền y tế tiên tiến trong bối cảnh khoa học đang tiến bộ như vũ bão. Đặc biệt, lĩnh vực tim mạch can thiệp được coi là lĩnh vực kỹ thuật cao và hiện đại nhất trong chuyên ngành. Để không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tim mạch, các nhà chuyên môn cần liên tục học hỏi và trau dồi từ những kinh nghiệm quý báu của các nước phát triển, cập nhật và áp dụng những tiến bộ y khoa mới nhất, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp trong nước và quốc tế.

Tin cùng chuyên mục