Bán hàng bình ổn lưu động

Chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng

Nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu giá mềm được các doanh nghiệp “đem đến tận tay” khách hàng thông qua Chương trình bán hàng lưu động - bình ổn thị trường ở TPHCM. 15 điểm bán luân phiên được phân bổ ở khắp các quận huyện, TP Thủ Đức, mang lại tín hiệu mua sắm tích cực. Dự kiến chương trình kéo dài hơn 1 tháng, từ ngày 6-8 đến 15-9.

Hàng trăm mặt hàng giá tốt

Chiều cuối tuần, bà Nguyễn Thị Ngọc (68 tuổi, trọ tại quận 4) vội vàng ghé Công viên Khánh Hội để kịp mua túi nước xả, chai dầu gội và hơn chục gói mì chay với giá khuyến mãi, tiết kiệm được khoảng 50.000 đồng… Một số người khác thì mua ít bột nêm, nước trái cây nhập khẩu với mức giảm 80%-90%. Khách được mua các sản phẩm giảm giá, ưu đãi từ 39.000-49.000 đồng, mua 1 tặng 1 hay có sản phẩm giảm giá còn 5.000 đồng…

M1d.jpg
Khách mua hàng tại điểm bán lưu động bình ổn giá ở Công viên Khánh Hội, quận 4, TPHCM

“Mỗi lần đi chợ tôi cân nhắc rất kỹ. Tiết kiệm được đồng nào quý đồng đó”, bà Ngọc nói. Chị Mai Hoài Thu (cũng ngụ quận 4) cho rằng, nhóm mặt hàng mì ăn liền, sữa hộp cho trẻ em, mỹ phẩm các loại có giá tốt hơn hẳn so với mặt hàng cùng loại đang bán tại cửa hàng tiện ích. Với hóa đơn mua hàng gồm 1 chai sữa rửa mặt, 1 túi nước xả quần áo và 5 lốc sữa, gia đình chị tiết kiệm hơn 100.000 đồng, trong khi mua tại cửa hàng tiện ích chỉ tiết kiệm chưa tới 20.000 đồng.

Cầm trên tay hộp nho Hàn Quốc nhập khẩu bán tại điểm bình ổn giá, chị Lan Oanh vui vẻ cho biết đây là hàng tốt, hạn sử dụng đến hết năm 2025 mà giá khá mềm. Tính ra, mỗi hộp rẻ hơn 30.000-50.000 đồng so với giá thị trường. “Trước đây chúng tôi không thích hàng hóa tại hội chợ vì hàng trôi nổi nhiều nhưng nay được kiểm soát tốt hơn nên niềm tin của người dân cũng tăng lên đáng kể”, bà Oanh nói. Hiện tại, các gian hàng của MM Mega Market được “phủ sóng” ở nhiều điểm bán với mức ưu đãi tốt như nước mắm cá cơm sau giảm giá còn 59.000 đồng/chai (tiết kiệm 107.000 đồng); ngũ cốc dinh dưỡng sau giảm giá còn 79.000 đồng/gói (tiết kiệm 90.000 đồng)…

Tương tự, Saigon Co.op cũng có nhiều mức giảm giá cho các mặt hàng gồm nước xả vải, nước ép trái cây, sữa tươi…. Thông tin từ các siêu thị, doanh nghiệp, việc tham gia chương trình lần này không đặt nặng doanh số mà tập trung cho việc quảng bá thương hiệu đến khách hàng, nhất là người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp…

“Chúng tôi kỳ vọng mang hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường đến những người lao động có thu nhập vừa và thấp tại TPHCM”, ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing hệ thống MM Mega Market, thông tin.

M2b.jpg
Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại siêu thị MM Mega Market Hiệp Phú, quận 12. Ảnh: GIA HÂN

Sở Công thương TPHCM cho biết, có 9 doanh nghiệp tham gia xuyên suốt chương trình với 40 nhóm mặt hàng, gồm 500 loại sản phẩm, tiếp cận khoảng 300.000 người, thu hút 100.000 lượt khách tham quan và 50.000 lượt mua hàng. Các sản phẩm được bày bán thuộc các đơn vị như Công ty Procter & Gamble Việt Nam, Công ty CP thực phẩm Bình Tây, Công ty nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, Saigon Co.op, MM Mega Market Việt Nam...

Tránh “té giá theo lương”

Theo thông tin từ một số siêu thị lớn trên địa bàn TPHCM, các nhà cung ứng đã gửi nhiều yêu cầu tăng giá. Tuy vậy, những siêu thị này vẫn đang đàm phán, thỏa thuận với nhà cung ứng tiết giảm một số chi phí nhằm giữ giá hàng hóa thiết yếu ở mức ổn định đến cuối năm nay. Theo bà Thi Lý Mỹ Thuyên, Giám đốc Công ty MVCPRO (đơn vị phối hợp tổ chức chương trình bán hàng lưu động lần này), ở mỗi điểm đến các doanh nghiệp sẽ áp dụng khuyến mãi cho hầu hết các mặt hàng như mua 1 tặng 1, bán hàng đồng giá 39.000-49.000 đồng/sản phẩm… Người mua tham gia chương trình còn được trải nghiệm các tiện tích mua sắm an toàn khi thanh toán không dùng tiền mặt, nhận ưu đãi khoảng 50.000 đồng/mã từ các ví điện tử như ZaloPay, VNPAY, MoMo…

Ghi nhận qua 2 phiên bán hàng lưu động đầu tiên lần lượt tổ chức tại quận 11 và quận 4, số lượng người dân đến mua sắm khá đông. Sức mua tăng đáng kể, cho thấy mối quan tâm của người dân đối với nhóm hàng thiết yếu rất cao. Ở góc độ cơ quan chuyên ngành, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhận định, trước đây các hệ thống bán lẻ đã nhiều lần tự tổ chức bán hàng lưu động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng quy mô riêng lẻ, chủ yếu vào dịp tết và chưa gặt hái được hiệu quả.

Ngành công thương TPHCM luôn trăn trở làm sao để nâng cao chất lượng chương trình bình ổn thị trường, giúp thương mại TPHCM phát triển, đồng thời trực tiếp hỗ trợ người lao động khó khăn. Chính vì vậy, năm nay lãnh đạo TPHCM chủ trương tổ chức, kêu gọi các nhà sản xuất, các doanh nghiệp bình ổn thị trường cùng tham gia bán hàng lưu động, góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính với những người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp trên địa bàn thành phố. Đây cũng là dịp để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua yếu…

Song song với các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng đang diễn ra tại hầu hết các siêu thị, trung tâm mua sắm, các phiên bán hàng lưu động lần này cũng được người dân theo dõi sát sao. Giá tốt, hàng hóa chất lượng, ưu đãi lớn chính là sức hút đối với khách hàng, nhất là những người lao động còn nhiều khó khăn…

Theo Sở Công thương TPHCM, chương trình bình ổn thị trường đã duy trì 22 năm và đây là năm đầu tiên bán hàng lưu động. Chương trình tổ chức luân phiên ở 15 điểm trên địa bàn TPHCM, gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất, công viên, địa điểm sinh hoạt văn hóa ở các quận huyện nội và ngoại thành.

Tin cùng chuyên mục