Chia sẻ đúng, hành động đúng

Vào thời điểm này, người dân cả nước đều hướng trái tim về miền Bắc. Mọi người đều mong muốn được chung tay sẻ chia cùng đồng bào đang hoạn nạn, nhưng chúng ta cũng nên hiểu và thực hiện đúng những quy định, nguyên tắc để có thể đảm bảo an toàn.

PV Báo SGGP trao hỗ trợ đến người dân bị thiệt hại nặng do bão lũ tại thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hôm 12-9-2024
PV Báo SGGP trao hỗ trợ đến người dân bị thiệt hại nặng do bão lũ tại thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hôm 12-9-2024

Sự đoàn kết, bình tĩnh của cộng đồng là yếu tố mấu chốt để cùng nhau vượt qua khó khăn và điều đó chỉ có thể duy trì nếu chúng ta cùng nhau lan tỏa những thông tin chính xác, bởi lẽ chỉ cần một tin đồn sai lệch sẽ gây ra hệ lụy không hề nhỏ với nhiều người, nhiều lực lượng.

Hiện nay, bên cạnh những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện đã trực tiếp đứng ra quyên góp và tổ chức thành các đoàn vận chuyển nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm đến vùng lũ. Dù vậy, tiến hành các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ người dân vùng lũ không phải là một việc làm đơn giản. Địa hình các tỉnh miền núi phía Bắc khá hiểm trở, đi lại khó khăn. Trong điều kiện còn ngập lụt và nguy cơ sạt lở, lũ quét, nguy cơ rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có sự chuẩn bị cẩn thận, chu đáo và có kiến thức, khả năng ứng phó sự cố kịp thời. Thực tế cho thấy, từng có tai nạn đáng tiếc xảy ra với đoàn thiện nguyện. Người đi cứu trợ lại trở thành người cần được cứu hộ.

Cứu trợ đồng bào bị nạn không chỉ bằng tấm lòng, nhiệt huyết mà đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng và thông tin. Đối với người dân, nên cân nhắc việc quyên góp thông qua lực lượng chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện hoạt động thiện nguyện, cứu trợ. Mặt khác, xác minh rõ ràng các nguồn tin, địa chỉ, danh tính của cá nhân, đơn vị kêu gọi cứu trợ và bản thân dự tính ủng hộ; tốt hơn hết là tìm đến các tổ chức có uy tín như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, cơ quan báo chí, nhóm thiện nguyện có uy tín...

Đối với các đoàn cứu trợ, nên liên hệ với chính quyền và đơn vị chức năng địa phương để phối hợp, xem xét nhu cầu thực tế và đối tượng cần cứu trợ, phương án phân bổ, cũng như đảm bảo an toàn trong quá trình cứu trợ.

Từng cá nhân, đoàn cứu trợ trước khi lên đường nên tìm hiểu kỹ lưỡng diễn biến thời tiết và giao thông; chuẩn bị chu đáo đồ dùng thiết yếu, phân loại rõ ràng hàng hóa cứu trợ. Mỗi đoàn, mỗi người chủ động trang bị kỹ năng sinh tồn để tự bảo vệ bản thân, loại trừ những vấn đề phát sinh không đáng có trong quá trình cứu trợ.

Không chỉ hành động đúng, việc chia sẻ đúng cũng thể hiện thái độ yêu thương. Trong khi thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, trên không gian mạng, một số đối tượng cố tình đồn thổi các thông tin thất thiệt. Họ tung tin vỡ đê ở một số địa phương; cảnh báo miền Bắc chìm trong biển nước do xả lũ… trong khi các kênh truyền thông chính thống đăng tải rộng rãi thông tin Bộ Ngoại giao Việt Nam đã làm việc với nước bạn để kiểm soát việc xả lũ, hạn chế thiệt hại. Hệ thống đê điều ở miền Bắc vẫn đảm bảo, không xảy ra chuyện vỡ đê cũng như ngập lụt toàn miền. Cơ quan công an đã triệu tập nhiều đối tượng để xử lý, nhắc nhở. Các trường hợp này đã nhận thức được hành vi của mình và gỡ thông tin có nội dung sai trái.

Hậu quả của thiên tai rất nghiêm trọng, toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân đang nỗ lực khắc phục thiệt hại, không để ai bị bỏ lại phía sau. Người dân Việt Nam bất kể cương vị, nghề nghiệp nào đều đã đau cùng nỗi đau của đồng bào. Mọi sự đóng góp dù ít, dù nhiều cũng rất đáng ghi nhận, trân trọng. Những thông tin thất thiệt được đồn thổi sẽ chỉ gây hoang mang dư luận, kích bác, chia rẽ sự đoàn kết, làm ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống thiên tai.

Hãy hướng về miền Bắc thân yêu bằng con tim và khối óc. Chúng ta tin tưởng rằng, càng khi đối mặt với nguy cấp, tinh thần và ý chí của con người Việt Nam sẽ càng thêm vững vàng và cùng chung sức đồng lòng để tạo ra sức mạnh tổng hợp vượt qua khó khăn.

Tin cùng chuyên mục