Chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng

Thay vì thực hiện 1 tháng như trước, năm nay, chương trình khuyến mãi tập trung của TPHCM kéo dài suốt 3 tháng, hứa hẹn mang đến những sản phẩm chất lượng, giá tốt, giúp người tiêu dùng (NTD) tiết kiệm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Người tiêu dùng tìm mua các sản phẩm khuyến mãi tại siêu thị
Người tiêu dùng tìm mua các sản phẩm khuyến mãi tại siêu thị

Lo hàng tiêu dùng tăng giá

Kể từ ngày 1-7, bên cạnh niềm vui được tăng thu nhập theo Nghị định mới của Chính phủ, nhiều người dân cũng bày tỏ lo lắng khi giá cả hàng hóa, tiêu dùng, chi phí sinh hoạt sẽ “đi trước đón đầu”. Anh Trần Quốc Hùng (nhân viên hành chính, ở TPHCM) chia sẻ, theo Nghị định mới, lương của anh sẽ tăng hơn 900.000 đồng/tháng nhưng anh không vui bởi, cũng như những năm trước, hầu như giá cả hàng hóa đều tăng theo… Thực tế câu chuyện cân đối chi tiêu trước đồng lương có phần eo hẹp hiện nay đang là nỗi đau đầu của phần đông NTD, nhất là người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Theo đó, khi lương cơ bản chưa tăng thì giá điện đã được điều chỉnh tăng 3%. Dự kiến tới đây, giá nước sạch cũng sẽ tăng từ 5.059 đồng/m3 lên 8.326 đồng/m3 trong năm 2023 và tiếp tục tăng lên 9.100 đồng/m3 vào năm 2024. Riêng với nhóm hàng thực phẩm, theo ghi nhận, hầu hết giá thực phẩm như rau củ, cá, hải sản… đều đang ở mức cao.

Nhiều loại chi phí khiến người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu và chỉ mua những sản phẩm thực sự cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Trong khảo sát “Thói quen tiêu dùng 2023” của PwC công bố gần đây cho thấy, có tới 62% NTD có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu và 54% NTD dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn cho các loại hàng xa xỉ, tiếp đó là du lịch (42%), điện tử (38%) và thực phẩm (18%)…

Giải tỏa áp lực chi tiêu

Trước thực trạng trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ, các bộ, ban ngành cần xem xét và ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm giảm bớt áp lực cho người lao động, tăng cường kiểm soát giá cả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tạo ra môi trường làm việc công bằng, ổn định, đảm bảo cuộc sống tốt đẹp hơn cho người lao động, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngoài những giải pháp này, tại các địa phương, ngành công thương cần tổ chức những hoạt động như kết nối tiêu thụ sản phẩm, hội chợ khuyến mãi, kêu gọi doanh nghiệp giảm giá sản phẩm để kích cầu tiêu dùng. Điển hình như ngành công thương TPHCM tổ chức chương trình khuyến mãi “Mùa mua sắm - Shopping season” 2023 với sự tham gia của 3.000 doanh nghiệp, trên 7.000 chương trình khuyến mãi. Theo Sở Công thương TPHCM, đây là năm thứ 3 liên tiếp TPHCM tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung Shopping season. Đáng chú ý, những năm trước, Sở Công thương tổ chức từ ngày 15-6 đến 15-7 cho mùa mua sắm hè, còn 15-11 đến 31-12 cho mùa mua sắm xuân. Tuy nhiên, năm nay do tình hình kinh tế khó khăn nên chương trình sẽ kéo dài trong suốt 3 tháng để tăng sức mua, nâng tổng cầu của TPHCM. Với chương trình này, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc thực hiện các kế hoạch kinh doanh của mình. Trong khi đó, NTD có thể mua được những đơn hàng giá hấp dẫn bởi khung khuyến mãi lên đến 100%. Do đó, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng rất mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn đầu ngành như Saigon Co.op.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết, hưởng ứng Tháng khuyến mãi tập trung của TPHCM, từ ngày 15-6 đến 15-9, hệ thống Co.opmart và Co.opXtra tại TPHCM triển khai chương trình “Shopping season”. “Đây là chương trình khuyến mãi dài kỳ nhất do Saigon Co.op tổ chức với sự tham gia của hơn 1.000 đối tác của tất cả ngành hàng. Thông qua chương trình, Saigon Co.op mong muốn thể hiện vai trò kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với NTD, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế”, ông Nguyễn Ngọc Thắng chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục