Ông E.Macron đã đề nghị mọi người thảo luận về tất cả vấn đề lớn, từ biên giới của EU đến các thể chế mới, các dự án văn hóa, giáo dục và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Dù ủng hộ mô hình dân chủ của châu Âu dựa trên sự đoàn kết, song ông E.Macron thừa nhận: “Đôi khi châu Âu không đi đủ nhanh và có thể không có đủ tham vọng”. Ông kêu gọi người dân châu Âu lấy cảm hứng từ Mỹ để xác định lại những cách thức phát triển tương lai.
Đại dịch Covid-19 đã cho thấy EU thiếu các công cụ hữu hiệu để phản ứng nhanh chóng với tình huống khẩn cấp trên toàn châu lục. EU đã bị chỉ trích nặng nề vào đầu năm 2021 vì chiến dịch tiêm chủng bắt đầu chậm hơn so với Mỹ và Anh.
Chia sẻ quan điểm về những thay đổi và cải tiến EU, Chủ tịch Ủy ban các khu vực châu Âu Apostolos Tzitzikostas khẳng định, 1 triệu chính trị gia được bầu chọn cấp khu vực và địa phương tại hơn 300 khu vực và 90.000 thành phố trực thuộc đã, đang và sẽ không ngừng làm việc để phục vụ người dân sống ở các khu vực, thành phố và làng mạc khắp châu Âu. Bất chấp những khó khăn chưa từng có, các địa phương đã tìm ra những cách thức mới để khuyến khích nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp, thích ứng và làm việc với xã hội dân sự, sát cánh cùng bác sĩ và y tá chống lại dịch bệnh. Thời gian tới dù sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng mong mọi công dân đoàn kết và tiếp tục phấn đấu vì một chiến dịch tiêm chủng toàn diện và suôn sẻ. Châu Âu phải thoát khỏi cuộc khủng hoảng này một cách kiên cường hơn và chính thức công nhận tầm quan trọng của các cơ quan hành chính địa phương và khu vực.
Theo ông Tzitzikostas, sự đóng góp của các địa phương là chìa khóa để xây dựng các chính sách quản lý những biến đổi cơ bản của xã hội của toàn khối. Niềm tin sẽ giúp EU vượt qua cuộc khủng hoảng này với những nhà lãnh đạo địa phương là nhân tố chính, vì họ biết rõ nhất nhu cầu và mối quan tâm của người dân và biết cách giải quyết chúng thông qua các hành động cụ thể trên thực tế.