Chìa khóa thành công của “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy

Từ cuối tháng 11-2024, cả hệ thống chính trị quyết liệt triển khai tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là “cuộc cách mạng” về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với những điều chỉnh, thay đổi mạnh mẽ, hướng đến đáp ứng các tiêu chí “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.

Nhiều nước đã tinh giản bộ máy hành chính thành công như Nhật Bản, Singapore, Đức, Thụy Điển... Ở Nhật Bản, quy trình tuyển dụng được thực hiện qua 2 bước. Đầu tiên là tuyển chung do Cục Quản lý nhân sự quốc gia Nhật Bản trực tiếp tuyển chọn. Sau đó, căn cứ vào nhu cầu mà các bộ sẽ thực hiện bước thứ hai là sát hạch riêng. Cán bộ, công chức được tuyển dụng phải thể hiện trên hai mặt: việc thực hiện trách nhiệm, sứ mệnh đối với nhân dân và năng lực chuyên môn.

Nhật Bản cũng thực hiện chế độ tiền lương rất khoa học, dựa theo nguyên tắc: mặt bằng chung của xã hội; chức vụ; mức lương phải đảm bảo cuộc sống cho người công chức; mức lương phải phản ánh năng lực làm việc của người công chức. Singapore cũng là điển hình về tính minh bạch trong tuyển dụng và sử dụng công chức. Công chức được tuyển chọn qua kỳ thi khắt khe và hưởng lương cao, nhưng họ luôn phải duy trì sự liêm chính tối đa. Chính phủ Singapore có chương trình “Public Service Values” (giá trị dịch vụ công), trong đó mỗi công chức phải cam kết trung thành với nguyên tắc “liêm chính, tận tụy và công bằng”...

Khi Nhà nước quyết tâm tinh giản, bộ máy công chức sẽ không còn là nơi trú ẩn an toàn cho những người chỉ muốn hưởng lợi. Muốn tồn tại thì phải làm việc thực sự, có trách nhiệm với xã hội. Yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong bối cảnh mới là ngoài trình độ chuyên môn còn phải có khả năng thích ứng với môi trường làm việc hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Vì thế, cơ chế tuyển dụng cũng phải mang tính “động” và “mở”. Nghĩa là được tuyển dụng nếu đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm và vị trí việc làm còn trống; có cơ chế chuyển ra nếu không còn đáp ứng được yêu cầu công việc; nghiên cứu xây dựng và xác định đúng nội hàm của khái niệm nhân tài, năng lực.

Ngoài ra, cần tăng cường công khai, khách quan trong đánh giá, phân loại cán bộ, dựa trên kết quả làm việc và đóng góp thực tế. Kịp thời phát hiện, bổ nhiệm những cán bộ có đức, có tài vào các vị trí quan trọng. Nếu lựa chọn được cán bộ có đủ phẩm chất, có năng lực chuyên môn thì sẽ có những quyết sách đúng và trúng, đơn giản hóa quy trình, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý.

Tin cùng chuyên mục