Báo cáo này do cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi thực hiện và được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trình bày hôm 9-9, đề xuất một số giải pháp quan trọng để thúc đẩy ngành công nghiệp hydro tại châu Âu.
Đầu tiên là xây dựng hệ thống năng lượng tích hợp, kết hợp hydro vào hệ thống năng lượng hiện có để tối đa hóa hiệu quả. Thứ hai, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển mạng lưới sản xuất, vận chuyển và lưu trữ hydro. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ mới để giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả sử dụng cũng rất quan trọng. Cuối cùng, tạo lập một môi trường đầu tư hấp dẫn thông qua các chính sách ưu đãi và cơ chế tài chính phù hợp.
Mặc dù còn đối mặt với một số thách thức, việc phát triển ngành công nghiệp hydro mở ra nhiều cơ hội lớn. Ngành này có thể tạo ra hàng triệu việc làm mới, thúc đẩy đổi mới công nghệ và giúp châu Âu giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ các nước bên ngoài, từ đó tăng cường an ninh năng lượng. Báo cáo đã nhấn mạnh tiềm năng to lớn của hydro trong việc tái cấu trúc nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU). Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và cuộc đua giành năng lượng sạch, hydro được xem là giải pháp then chốt để giảm thiểu lượng khí thải carbon, đảm bảo an ninh năng lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực.
Ông Jorgo Chatzimarkakis, Giám đốc điều hành của Hydrogen Europe, đánh giá cao kết quả nghiên cứu này và cho rằng, một thỏa thuận công nghiệp sạch của EU với hydro đóng vai trò trung tâm, sẽ là chìa khóa để đạt được các mục tiêu khí hậu và đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh của châu Âu. Trong khi đó, ông Daniel Fraile, Giám đốc chính sách của Hydrogen Europe, vui mừng với việc báo cáo đã công nhận tầm quan trọng của hydro đối với việc khử carbon. Ông Fraile kêu gọi một nỗ lực chung mạnh mẽ để cung cấp các phương tiện tài chính cho quá trình chuyển đổi này, xem tất cả các công nghệ hydro sạch là yếu tố then chốt để tái sinh các ngành công nghiệp chủ lực của EU.
Ủy ban châu Âu đã đặt ra mục tiêu sản xuất tới 10 triệu tấn hydro tái tạo vào năm 2030 và nhập khẩu thêm 10 triệu tấn. Mặc dù không mang tính ràng buộc, song các mục tiêu này là một phần trong kế hoạch của khối nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, hồi tháng 7 vừa qua, Tòa Kiểm toán châu Âu (ECA) cho rằng, các mục tiêu của EU đặt ra là “không thực tế và khó có thể đạt được”, bất chấp việc tài trợ hàng tỷ EUR. Theo ECA, những mục tiêu môi trường của EU đã bị chính trị hóa.
Mặc dù vậy, với sự hỗ trợ của các chính sách phù hợp và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, hydro được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của châu Âu trong những năm tới. Báo cáo của ông Draghi đã một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của hydro trong việc xây dựng một tương lai bền vững và cạnh tranh cho châu Âu.