Phát hiện bệnh khi đã quá muộn
Cầm kết quả khám bệnh trên tay, chị Trần Thị Dung (32 tuổi) không tin vào sự thật. Chị Dung cho biết, từ trước giờ chị chỉ ho và sốt vài ba bữa là khỏi. Nhưng lần này bị ho kéo dài, lại sốt và đau ngực nên có đến Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 để khám.
Sau kết quả xét nghiệm, chụp chiếu thì bác sĩ kết luận chị có một khối u ở phổi. “Trước giờ tôi luôn khỏe mạnh, cứ nghĩ mình không có vấn đề gì về sức khỏe nên chủ quan không đi khám bệnh, dù có thẻ bảo hiểm y tế, giờ bị bệnh đi khám phát hiện ra bệnh hiểm nghèo đã quá muộn rồi”, chị Dung buồn bã nói.
Cũng chủ quan, bỏ qua việc theo dõi sức khỏe của mình mà ông Nguyễn Quốc Tuấn (46 tuổi, ngụ Bình Dương) đã phải trả giá khá đắt khi nhập viện điều trị suy thận mạn ở giai đoạn nặng. Theo bà Võ Thị Sinh (vợ ông Tuấn), cách đây ít hôm thấy ông Tuấn buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, bị đau cơ, chuột rút, phù chân, ngứa... nên gia đình đưa ông đến BV Đại học Y Dược thăm khám. Các bác sĩ kết luận ông bị suy thận mạn giai đoạn muộn. “Gia đình đã khó khăn, nay ông bệnh tật lại càng khó khăn hơn. Trước giờ ổng có uống viên thuốc nào đâu, cứ nghĩ ổng khỏe mạnh, đâu ngờ...”, bà Sinh nói trong nước mắt.
Cần có cách nhìn đúng
Theo bác sĩ Ngô Thị Cẩm Hoa, Trưởng khoa Khám và điều trị theo yêu cầu, BV Nhân dân 115, việc khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm nhiều bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, ung thư… để có hướng điều trị hiệu quả hơn.
“Do lối sống gấp gáp, chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân mà nhiều người bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ và chỉ đến khám khi có biểu hiện ra ngoài. Hầu hết bệnh ung thư và tim mạch ở giai đoạn khởi phát có thể điều trị thành công cao; giảm thiểu chi phí, thời gian và đau đớn cho bệnh nhân. Một số bệnh ở giai đoạn khởi phát chưa cần dùng thuốc, chỉ cần thay đổi lối sống giúp phòng ngừa hoặc giúp trì hoãn đến giai đoạn bệnh thật sự, như tăng đường huyết giai đoạn nhẹ, rối loạn mỡ máu hoặc đái tháo đường tuýp 2… sẽ chưa cần đến điều trị thuốc”, bác sĩ Cẩm Hoa thông tin.
Cũng theo bác sĩ Cẩm Hoa, khám sức khỏe định kỳ còn là hoạt động bắt buộc đối với các cơ sở sử dụng lao động, trường học, trường dạy nghề… cho đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật để đảm bảo đối tượng có đủ sức khỏe để lao động, học tập. Mỗi người trưởng thành nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm/lần.
Một số đối tượng cần khám mỗi 6 tháng/lần như nhóm có nguy cơ cao hoặc chuẩn bị qua tăng huyết áp thật sự, bệnh đái tháo đường nhưng chưa cần dùng thuốc; nhóm có nguy cơ ung thư cao hơn thông thường (phụ nữ làm mẹ, chị em bị ung thư vú), gia đình có nhiều người bị ung thư hay các bệnh lý có yếu tố gia đình; người nhiễm viêm gan siêu vi B, C; nhóm người có nguy cơ bệnh nghề nghiệp cao như công nhân mỏ than, xưởng dệt may, hóa dầu, hóa chất, phóng xạ…; nhóm người có nghề nghiệp áp lực và trách nhiệm cao: phi công, tài xế xe khách đường dài, tài xế xe tải nặng...
Còn theo bác sĩ Lê Trung Nhân, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Chợ Rẫy, việc khám sức khỏe định kỳ nên thực hiện tại cơ sở y tế đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và có đủ điều kiện. Khám sức khỏe tổng quát gồm các bước khám thể trạng, khám lâm sàng tổng quát, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng. Sau đó dựa trên các kết quả khám, bác sĩ chuyên khoa sẽ kết luận tình trạng sức khỏe của người tham gia khám và có hướng cần khám thêm chuyên khoa, làm thêm cận lâm sàng nếu nghi ngờ có bệnh hoặc với đối tượng có nghề nghiệp đặc thù...
“Cùng với việc khám sức khỏe định kỳ, mỗi người cần có ý thức giữ gìn và bảo vệ sức khỏe bản thân bằng việc tích cực vận động, tập thể dục thể thao, có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, hạn chế uống rượu và hút thuốc, giữ tinh thần lạc quan… Đó chính là “chìa khóa” để có cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, đẩy lùi bệnh tật”, bác sĩ Lê Trung Nhân nhấn mạnh.
8 con số nổi bật của ngành y tế TPHCM năm 2018 Tại hội nghị tổng kết hoạt động 2018 và triển khai hoạt động trọng tâm 2019 được tổ chức vừa qua, Sở Y tế TPHCM đã công bố những con số nổi bật trong rất nhiều hoạt động của toàn ngành trong năm 2018. Cụ thể: + 45.365.309 lượt khám bệnh ngoại trú (tăng 5,8%) và 2.547.674 lượt điều trị nội trú (tăng 4%) tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP - cao nhất từ trước đến nay; tỷ lệ người dân thành phố tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,46%. + 24 trạm y tế khởi động lộ trình đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, triển khai quản lý các bệnh mạn tính không lây nhiễm trong cộng đồng. + Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, 24/24 trung tâm y tế dự phòng quận, huyện và 319 trạm y tế quản lý dịch bệnh trên toàn địa bàn TPHCM bằng hệ thống thông tin địa lý GIS. + 28 trạm cấp cứu vệ tinh bao phủ khắp địa bàn thành phố với 14.468 lượt cấp cứu ngoài bệnh viện - cao gấp 2,8 lần so với 3 năm trước đây, thử nghiệm thành công loại hình xe cấp cứu 2 bánh. + 327 bác sĩ mới tốt nghiệp nhận công tác tại các bệnh viện tuyến huyện - cao nhất trong những năm qua; lần đầu tiên 27 sinh viên y khoa của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Y khoa Johannes Guttenberg Main (Đức). + 16 bệnh viện và 6 Trung tâm y tế quận, huyện mới được xây dựng và cải tạo nâng cấp đi vào hoạt động. + 12 bệnh viện có tên trong tốp các bệnh viện đạt mức chất lượng tốt (điểm chất lượng trung bình trên 4); nhiều kỹ thuật chuyên sâu triển khai thành công; quy trình báo động đỏ tiếp tục phát huy tác dụng với 379 lượt nội viện và 99 lượt liên viện, cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch. + Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 đạt 56,7%. Nguồn: SỞ Y TẾ TPHCM |