Chia con khi ly hôn: Hiểu thế nào cho đúng?

“Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng” - câu ca dao khiến người nghe liên tưởng ngay đến những đứa trẻ có cuộc sống không hạnh phúc với dì ghẻ/cha dượng khi cha/mẹ đẻ của mình đi bước tiếp sau khi ly hôn.

Một phiên tòa phân xử vụ kiện giành quyền nuôi con (diễn ra tại TP Cần Thơ, tháng 8-2020). Ảnh: THÀNH CHUNG
Một phiên tòa phân xử vụ kiện giành quyền nuôi con (diễn ra tại TP Cần Thơ, tháng 8-2020). Ảnh: THÀNH CHUNG

Nỗi đau của những đứa trẻ

Tháng 5-2023, vụ một đứa trẻ 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong đã được đưa ra xét xử và tuyên án. Liên quan đến vụ án trên, một cặp vợ chồng đã ly hôn và hai đứa con chung được chia ra, giao cho mỗi bên vợ/chồng một trẻ để nuôi dưỡng và chăm sóc. Bên cạnh câu chuyện pháp lý liên quan đến tội hành hạ trẻ em, người ta cũng bàn về cách chia con khi ly hôn.

Đối với quan hệ trực tiếp nuôi dưỡng trẻ sau khi ly hôn, tòa án dựa vào độ tuổi của trẻ, nhu cầu của trẻ và cả khả năng nuôi dưỡng của cha/mẹ để cân nhắc quyết định người có quyền nuôi trẻ sau ly hôn. Pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam quy định về việc xác định người trực tiếp nuôi con và quyền của người còn lại. Chính quy định này dẫn đến một cách áp dụng máy móc là việc trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thuộc về một bên cha hoặc mẹ, trong khi bên còn lại có quyền thăm nom và có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Thực tiễn cho thấy điều lo lắng sau khi các cặp vợ chồng ly hôn là con sẽ thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc của một bên cha hoặc mẹ. Nhiều trẻ phát triển không ổn định hoặc bất bình thường sau khi cha mẹ ly hôn cũng chính bởi nguyên nhân này. Ngoài ra, không ít trường hợp một cặp vợ chồng có hai con trở lên và tòa án đã chia số con cho đồng đều, nghĩa là mỗi người cha/mẹ sẽ phụ trách nuôi dưỡng một trong số các con của mình. Cách chia này dẫn đến việc các con không chỉ bị tổn thương từ việc thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ một bên cha/mẹ, mà còn bị ảnh hưởng bởi việc chia cắt tình anh chị em. Đối với những người cha mẹ tử tế, quan tâm chăm sóc các con dù mình không phải là người trực tiếp nuôi dưỡng là điều đương nhiên. Nhưng cũng có nhiều trường hợp, vì pháp luật quy định họ không phải là người trực tiếp nuôi dưỡng nên dẫn đến việc họ bỏ bê đứa trẻ cho người còn lại chăm sóc, chỉ cấp dưỡng và không thể hiện thêm bất kỳ trách nhiệm gì với đứa trẻ.

Trách nhiệm của cha, mẹ

Việc ly hôn của cha mẹ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của con cái. Nhưng, nghĩa vụ và trách nhiệm giữa cha mẹ với con thì không thể bị ảnh hưởng bởi quan hệ hôn nhân chấm dứt không làm quan hệ huyết thống chấm dứt. Do đó, cha mẹ dù ly hôn vẫn là cha mẹ của đứa trẻ, vẫn phải có trách nhiệm với đứa trẻ do mình sinh ra.

Ở nhiều quốc gia, các cặp vợ chồng khi ly hôn có quyền thỏa thuận về việc nuôi con nhưng vẫn tôn trọng ý kiến của trẻ. Trường hợp không thể thỏa thuận, tòa án thông thường quyết định con sẽ được luân phiên nuôi dưỡng, chăm sóc bởi cha và mẹ. Việc luân phiên chăm sóc con sau ly hôn áp dụng ngay cả khi số lượng con chung nhiều. Điều này để đảm bảo các con có được sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ, và trách nhiệm làm cha/mẹ cũng được thể hiện tối đa ngay cả khi các cặp vợ chồng đã ly hôn.

Vậy, câu hỏi “chia con như thế nào cho đúng?” cần phải được thay thế bằng câu hỏi “chia trách nhiệm của cha, mẹ đối với con sau khi ly hôn như thế nào cho đúng?”. Từ đó, xét trên góc độ vì quyền lợi của con (bao gồm quyền được phát triển trong một môi trường có tình thương và sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ), cần chia trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng con ngang bằng giữa cha với mẹ. Cha/mẹ phải thực hiện tất cả các công việc như nhau đối với người con của mình, thay vì một bên làm mọi việc, và bên còn lại chỉ cung cấp tài chính như hiện nay.

PHAN THỊ HƯƠNG GIANG
Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM

Tin cùng chuyên mục