Khủng hoảng trước đám cưới
“Trước đám cưới mình stress (căng thẳng) dữ lắm! Mệt mỏi đến mức muốn hủy hôn luôn. Hàng trăm thứ phải tính toán, lo liệu, có lúc mình nghĩ kết hôn ngay thời điểm còn khá trẻ này là nên hay chưa?”, bạn Nguyễn Thị Ngọc Sương (27 tuổi, ở quận Bình Thạnh) chia sẻ lại cảm xúc trước ngày cưới cách đây 2 năm.
Ngồi đối diện, cô gái trẻ bây giờ đã là phụ nữ có chồng và 1 con trai kháu khỉnh, liệt kê ra hàng loạt thứ phải làm trước đám cưới. Ngọc Sương nói chi tiết: “Đầu tiên hết phải hỏi gia đình hai bên, chọn ngày đính hôn, ngày cưới. Sau đó, hai đứa tới khâu chụp hình cưới, chọn gói chụp ảnh phù hợp kinh tế. Kế nữa là chọn địa điểm tổ chức đám cưới, đi chọn thiệp, mời cưới… mất chừng đâu 2 tháng. Chúng tôi đám cưới đúng mùa dịch, kế hoạch tổ chức cưới thay đổi xoành xoạch, xoay hẳn 50%”.
Ngọc Sương cho rằng, khi các bạn trẻ quyết định về chung một nhà, nhất định phải có sự thỏa thuận, hòa hợp giữa chồng - vợ, gia đình chồng - gia đình vợ, mẹ chồng - nàng dâu… “Như mình nè, phải học quen với nền nếp gia đình mới. Lúc đầu cứ nghĩ rồi sẽ hòa hợp thôi, nhưng không dễ đâu nha, áp lực vô cùng. Thêm một điều nữa, tài chính cũng là vấn đề quan trọng. Nói chung, để thoải mái nhất thì hai đứa phải có nền tảng kinh tế vững chắc để tự tổ chức đám cưới. Chứ trẻ quá, đám cưới phải dựa hoàn toàn vào gia đình thường có rất nhiều vấn đề xảy ra”, cô phân tích.
Ra trường, tìm được việc với mức lương trung bình chưa bao lâu, Trương Thị Khánh Hòa (24 tuổi, quận Bình Tân) nhận lời cầu hôn từ bạn trai. Trái ngược với sự háo hức của nửa kia, Hòa lo đến mất ăn mất ngủ. “Bản thân mình đang ở giai đoạn khủng hoảng tiền hôn nhân. Tôi luôn mệt mỏi, dễ cáu gắt ngay cả vấn đề nhỏ nhặt. Để tổ chức một đám cưới hoàn thiện cần rất nhiều công sức, chi phí. Áp lực tài chính và cả một dãy liệt kê công việc cần hoàn thành gần như khiến tôi chẳng muốn kết hôn nữa. Chưa kể, gia đình chồng có ý muốn chúng tôi sớm sinh cháu sau khi cưới làm chúng tôi rất áp lực. Chúng tôi còn quá trẻ!”, Hòa nói.
Lấy tình yêu làm điểm tựa
Thời buổi hiện đại, khá nhiều người trẻ thích hẹn hò yêu đương nhưng lại ngại ngần đám cưới, bởi họ sợ những khủng hoảng từ vòng tròn hôn nhân, áp lực kinh tế. Những tính toán giữa sự nghiệp và gia đình, quan điểm sống vì chính mình khiến nhiều người chọn thoát khỏi hôn nhân truyền thống.
Theo Nguyễn Thị Thanh Mai (26 tuổi, sống tại Hà Nội), người trẻ bây giờ có nhiều quy tắc mới, các bạn ít thích bước vào hôn nhân, thậm chí sợ hôn nhân, bởi cho đó là “nấm mồ” chôn tình yêu. Vừa kết hôn không lâu, Thanh Mai lại cho rằng hôn nhân là trang mới, bước đệm mới tô màu sắc cho cuộc sống. Việc tổ chức đám cưới chỉ là nghi thức ra mắt gia đình hai bên, bạn bè. Tổ chức to hay nhỏ tùy điều kiện gia đình, vùng miền. “Đừng quá nặng lễ cưới mà nên chuẩn bị tinh thần đường dài. Bước vào hôn nhân cần chữ thương yêu, thấu hiểu, chia sẻ. Mỗi người cần có sự nghiệp ổn định, độc lập. Sự độc lập này khiến mình tự tin, có điều kiện chăm chút gia đình hơn. Tình yêu hay hôn nhân là sự vun đắp từng ngày từng giờ, chứ không phải cưới rồi là ngưng quan tâm. Sau ngày cưới luôn cần “tương kính như tân”, sự tươi mới”, Thanh Mai chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ hay rơi vào “tâm lý về nhà chồng”, “sắp bị vô cũi”. Tuy nhiên, thay vì nặng nề, bạn nên nghĩ rằng mình có thêm người cha người mẹ để quan tâm chăm sóc; thêm gia đình nhỏ, một đại gia đình để yêu thương. Như chia sẻ của Thanh Mai: “Bố mẹ hai bên có thêm con trai ngoan, con gái thảo. Hãy coi họ và họ hàng như người thân ruột thịt của mình. Nếu như trước đây người trẻ như mình tự do tự tại thì sau ngày cưới có thêm trách nhiệm. Thay vì chọn kèo đi chơi cùng bạn bè, mình còn có những hoạt động cùng gia đình hai bên”.
Từ câu chuyện của mình, Ngọc Sương bày tỏ: “Cứ nghĩ hôn nhân là con đường đã chọn, quyết định kỹ thì cứ thế cố gắng đi trọn vẹn. Hơn nữa, mình có tình yêu làm điểm tựa mà”.
Theo chuyên gia tâm lý, TS Phạm Thị Thúy, khủng hoảng tiền hôn nhân là tình trạng phổ biến của nhiều cặp đôi trẻ trước ngày cưới. Đây cũng là giai đoạn giúp người trẻ nhìn nhận lại mối quan hệ. Nếu thật lòng yêu nhau thì hãy cùng tìm cách để vượt qua thử thách. Hiện nay, có khá nhiều lớp học tiền hôn nhân mở ra cho bạn trẻ. Tuy nhiên, việc tham khảo kiến thức có thể phù hợp với người này và không với người kia, bởi một số lớp còn mang tính giáo điều. Hãy nhìn vào cách người đi trước yêu nhau, sống với nhau mấy chục năm vẫn hạnh phúc, nhìn vào sự tích cực mà có thêm niềm tin vào hôn nhân.