Chi trả thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế: Chỗ dựa cho bệnh nhân nhiễm HIV

Ngày 8-3, những viên thuốc ARV đầu tiên được cấp phát thông qua nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả cho bệnh nhân nhiễm HIV tại TPHCM. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt lớn trong điều trị HIV tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, trong bối cảnh các nguồn tài trợ nước ngoài dành cho công tác phòng chống HIV/AIDS đang giảm dần. 
Bệnh nhân nhận thuốc ARV thông qua Quỹ BHYT chi trả tại Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh vào sáng 8-3
Bệnh nhân nhận thuốc ARV thông qua Quỹ BHYT chi trả tại Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh vào sáng 8-3

4.200 người điều trị ARV thông qua BHYT

Nhiễm HIV từ năm 2009, suốt 10 năm qua anh Nguyễn Quang T. (39 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) đều đặn nhận thuốc điều trị miễn phí tại Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng huyện Bình Chánh. Mới đây, với chủ trương cấp phát thuốc ARV thông qua BHYT chi trả, anh T. đã tự trang bị cho mình tấm thẻ BHYT. Dù có thêm thủ tục BHYT, nhưng toàn bộ quy trình khám và cấp phát thuốc của anh vẫn không khác so với trước đây.

“Trước đây lãnh thuốc sao thì nay vẫn như thế, chỉ phải xuất trình thêm thẻ BHYT thôi, không có sự phiền hà nào cả”, anh T. cho hay.

Tương tự, quá trình cấp phát thuốc ARV thông qua BHYT của anh Hứa Minh P. (40 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) cũng khá đơn giản và thuận lợi.

“Hồi trước tôi có nghe các bạn cùng điều trị băn khoăn về các loại thủ tục khi lãnh thuốc ARV bằng thẻ BHYT, nhưng thực tế trải qua thì tôi thấy cũng không có gì đáng ngại, thậm chí có thẻ BHYT thì mình còn có thể đi khám bệnh khác được nữa, lợi nhiều hơn hại”, anh P. chia sẻ.

Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh là một trong 6 cơ sở đầu tiên tại TPHCM thí điểm cấp phát thuốc ARV thông qua BHYT chi trả. Bác sĩ Lê Thị Cẩm Hà, Trưởng khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng huyện Bình Chánh, cho biết hiện đơn vị này đang điều trị cho 1.520 bệnh nhân nhiễm HIV với tỷ lệ người bệnh có thẻ BHYT chiếm khoảng 90%, trong đó có hơn 20% là người bệnh ngoại tỉnh. Về cơ bản, ngay từ năm 2016, đơn vị này đã bắt tay vào công tác kiện toàn, chuẩn bị các điều kiện về pháp lý, cơ sở vật chất để chuyển đổi sang điều trị thông qua BHYT. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là những bệnh nhân không có điều kiện mua thẻ BHYT, như hoàn cảnh khó khăn, không có công việc ổn định, không có giấy tờ tùy thân, không có tạm trú trên địa bàn…

“Những người không có giấy tờ tùy thân hoặc điều kiện bất khả kháng sẽ được UBND TPHCM hỗ trợ cấp thẻ. Đơn vị chúng tôi đã xin cấp được hơn 100 thẻ và sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất thành phố hỗ trợ thêm 100 thẻ cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn mà chúng tôi đang quản lý”, bác sĩ Hà cho biết. 

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, ngoài Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh, thành phố có thêm 5 điểm điều trị ARV thông qua BHYT là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Phòng khám ngoại trú thuộc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè và Phòng khám Đa khoa Galant. Có khoảng 4.200 người sẽ được hưởng các dịch vụ BHYT tại 6 cơ sở điều trị này. Những bệnh nhân có thẻ BHYT không những được thanh toán thuốc ARV, mà còn được thanh toán các chi phí khác như phí khám bệnh, xét nghiệm và điều trị nhiễm trùng cơ hội. Dự kiến trong năm 2020, toàn bộ 48 cơ sở điều trị ARV tại TPHCM sẽ cấp phát thuốc ARV thông qua BHYT chi trả.

Điều kiện tiên quyết thanh toán đại dịch HIV

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, cho biết để chuẩn bị cho việc điều trị ARV thông qua BHYT, thời gian qua cơ quan BHXH đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở y tế kiện toàn tổ chức, ký hợp đồng thanh toán với BHXH. Hiện BHXH TPHCM đã ký hợp đồng với toàn bộ 48 cơ sở điều trị ARV trên địa bàn. “Chúng tôi cam kết cung cấp đủ nguồn thuốc, cũng như đảm bảo sự thuận lợi trong thanh toán khi cung cấp dịch vụ cho những bệnh nhân BHYT, nhưng điều kiện tiên quyết là bệnh nhân phải có thẻ BHYT”, bà Lưu Thị Thanh Huyền khẳng định.

Song song với TPHCM, bắt đầu từ tháng 3-2019, trên toàn quốc có 188 cơ sở điều trị HIV cấp phát thuốc ARV thông qua BHYT. Mục tiêu đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 40.000 người được điều trị ARV thông qua BHYT và sẽ gia tăng nhanh trong những năm tiếp theo. Đây cũng được xem là điều kiện tiên quyết hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030

TS PHẠM ĐỨC MẠNH
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế TPHCM, hiện tại thành phố có 35.800 bệnh nhân đang điều trị ARV tại 48 phòng khám ngoại trú, trong đó có 29.368 người có thẻ BHYT, chiếm tỷ lệ 82%. Để tạo điều kiện cho bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị liên tục, những bệnh nhân ở địa phương khác nhưng có đăng ký cư trú trên 6 tháng tại TPHCM sẽ được Sở Y tế, UBND TPHCM hỗ trợ mua thẻ BHYT. Trong năm 2018, TPHCM đã dùng ngân sách để mua 2.948 thẻ và dự kiến 2019 là 4.000 thẻ BHYT cho người nhiễm HIV không đủ điều kiện mua thẻ. 

TS Phạm Đức Mạnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), nhấn mạnh HIV/AIDS là bệnh mạn tính, phải điều trị liên tục, suốt đời, chi phí lớn. Điều trị sớm và tuân thủ điều trị sẽ giúp người nhiễm HIV sống lâu, khỏe mạnh và ngăn ngừa khả năng lây truyền HIV ra cộng đồng. Chi phí thuốc ARV và các chi phí khám bệnh, các xét nghiệm định kỳ cũng khá cao. Người sống với HIV có xác suất mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cao hơn người không có HIV. Vì vậy, việc khám bệnh, chữa bệnh cho người sống với HIV thông qua quỹ BHYT chi trả là giải pháp giảm gánh nặng tài chính cho chăm sóc sức khỏe, giúp họ đảm bảo việc điều trị liên tục và lâu dài. Tuy nhiên, trước tâm lý e dè của một số bệnh nhân HIV, TS Phạm Đức Mạnh yêu cầu các cơ sở y tế tạo mọi điều kiện để người bệnh có thẻ BHYT tiếp cận được các dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất, nhân viên y tế phải có thái độ ân cần, niềm nở, không kỳ thị và đặc biệt phải đảm bảo bí mật thông tin cho bệnh nhân.

Tin cùng chuyên mục