Cụ thể, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do ngân sách nhà nước đảm bảo; chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19 theo quy định về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với phần ngân sách nhà nước bảo đảm, trước mắt, thành phố thanh toán cho các cơ sở y tế tư nhân chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 theo Thông tư 13/2019, Thông tư 14/2019 của Bộ Y tế.
Riêng các nội dung chưa được kết cấu trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì thanh toán theo chi phí thực tế phát sinh nhưng phải đảm bảo định mức chi và mức giá thanh toán tương đương mức thực hiện của các cơ sở y tế công lập.
UBND TPHCM cũng vừa có văn bản chỉ đạo việc thực hiện cơ chế tài chính cho các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19 hoặc có nguồn tài chính không đảm bảo do ảnh hưởng bởi dịch.
Cụ thể, cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở này được chi trả lương, các khoản đóng góp theo lương, phụ cấp theo quy định, cũng như được chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03/2018 của HĐND TPHCM.
Đối với nhân viên y tế là người lao động theo Nghị định 68/2000, Nghị định 161/2018 (không thuộc đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm) được hỗ trợ ổn định thu nhập với mức 3,7 triệu đồng/tháng.
* Ngày 7-10, trước tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM đang có nhiều chuyển biến tích cực, Bộ Y tế có công văn gửi UBND TPHCM đề nghị sắp xếp để nhân lực hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 trở về địa phương công tác.
Công văn của Bộ Y tế nêu rõ, để bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ viên chức y tế tại các địa phương, đơn vị, Bộ Y tế đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Y tế, các cơ quan chuyên môn của thành phố và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức bố trí, sắp xếp và tạo điều kiện hỗ trợ các thủ tục cần thiết để các đoàn cán bộ viên chức y tế của các địa phương, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch tại TPHCM được về địa phương, đơn vị công tác chậm nhất trước ngày 15-10.