Tính đến năm 2020, chi tiêu trung bình cho hàng hóa và dịch vụ văn hóa vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm 0,3% tổng chi tiêu hàng năm của hộ gia đình. Số doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực văn hóa là 69.166, chiếm 10,3% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam. Hàng hóa văn hóa của Việt Nam được xuất khẩu tới nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, dòng chảy toàn cầu này đã tạo ra những giá trị kinh tế quan trọng…
Chia sẻ tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng VICAS, nhấn mạnh: Chỉ số văn hóa 2030 của UNESCO là nền tảng cho việc vận động chính sách cho văn hóa trong các mục tiêu phát triển bền vững, cũng như để lồng ghép vào các kế hoạch và chính sách phát triển ở cấp quốc gia, đô thị… Với 22 chỉ số được chia thành 4 nhóm bao quát các phương diện quan trọng nhất của phát triển bền vững, từ môi trường đến kinh tế và xã hội, bộ chỉ số giúp đánh giá vai trò của văn hóa, vừa như một lĩnh vực độc lập và vừa như một thành tố xuyên suốt trong các lĩnh vực khác.
Các đại biểu tham dự hội thảo kỳ vọng với những kết quả có được từ dự án triển khai thí điểm Bộ chỉ số văn hóa 2030 của UNESCO tại Việt Nam và TP Huế sẽ là nền tảng để xây dựng bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.